
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8, nếu như mỗi ngày có hơn 400 doanh nghiệp ra đời thì cũng 70 doanh nghiệp khác chờ giải thể, ngừng hoạt động và 37 doanh nghiệp khác hoàn tất thủ tục giải thể.
60% doanh nghiệp phát sinh doanh thu sau 1 năm
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sức sống của các doanh nghiệp mới thành lập đang cho thấy các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh của Chính phủ đang tạo ra các giá trị thực cho nền kinh tế. Tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh doanh thu sau 1-2 năm hoạt động đang là minh chứng rõ nét.
Ông Tuấn cho hay, tỷ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014 số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 72,9%, năm 2015 là 61,2%, năm 2016 là 57,5%, năm 2017, tỷ lệ này là 56,6%. Đây là tỷ lệ khá khả quan nếu so sánh với thực tế diễn ra ở các nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh trên thế giới.
Ông Tuấn cho rằng, trong mọi nền kinh tế luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, theo đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới.
Như vậy, theo ông Tuấn, ở một góc độ nào đó, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn.
Theo số liệu từ cơ quan thuế, tính đến tháng 5/2017, trong số doanh nghiệp thành lập năm 2015, có 71.285 doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu, đạt tỷ lệ gần 74%. Tương tự, trong số doanh nghiệp thành lập năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh doanh thu là 60,5%. Ông Bùi Anh Tuấn đánh giá, đây là những tỷ lệ khá cao.
Ông Tuấn cũng cho hay, trong số các doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu, một bộ phận doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo), sau khi đăng ký thành lập, cần một khoảng thời gian để chuẩn bị trước khi sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ và đưa ra thị trường. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể vẫn có đóng góp cho GDP thông qua hoạt động đầu tư, mua sắm…
Tránh làm “tổn thương” doanh nghiệp
Khi nhìn vào tỷ lệ lớn (hơn 91%) doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động có quy mô nhỏ, dưới 10 tỷ đồng, ông Tuấn cho rằng, đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu tác động nhất từ những khó khăn của thị trường, nhưng cũng là nhóm doanh nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh nhất khi các kế hoạch kinh doanh không đạt được kỳ vọng.
Tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng “giấy phép con, giấy phép cháu” còn nhiều. Bên cạnh đó, gánh nặng về thuế, phí đối với doanh nghiệp còn rất lớn, cần phải tháo gỡ.
Thủ tướng cũng chỉ ra chi phí kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, các quy định hành chính hải quan, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vừa qua, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua, quy định rõ về những hỗ trợ cơ bản dành cho doanh nghiệp như thông tin thị trường, tiếp cận đất đai, tín dụng... Ngoài ra, Luật còn dành nhiều “quà tặng” cho doanh nghiệp như: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết…
Như vậy, trong tháng 8, nếu như mỗi ngày có hơn 400 doanh nghiệp ra đời thì cũng có 70 doanh nghiệp đang chờ giải thể, ngừng hoạt động và 37 doanh nghiệp khác hoàn tất thủ tục giải thể.