Doanh nghiệp đang tự làm khó mình

80% DN thừa nhận, tham nhũng có tác động tiêu cực đến phát triển của chính họ, song có tới 70% DN giữ quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiên khôn, nhất là trong quan hệ với cơ quan nhà nước”.

80% DN thừa nhận, tham nhũng có tác động tiêu cực đến phát triển của chính họ, song có tới 70% DN giữ quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiên khôn, nhất là trong quan hệ với cơ quan nhà nước”.

Đó là chưa kể tỷ lệ không nhỏ, 38% doanh nghiệp thừa nhận tham nhũng đôi khi tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu nhận thức này không được thay đổi, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, công khai của Chính phủ và cộng động doanh nghiệp rất khó, dù đã được xác định là “cuộc chiến trường kỳ”.

Hình thức tham nhũng phổ biến nhất trong quan hệ giữa doanh nghiệp và khu vực nhà nước mà doanh nghiệp hay thực hiện chủ yếu là hối lộ, dưới dạng đưa phong bì cho cán bộ nhà nước.

Điều này có nghĩa là, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ một phía, nhưng Nghiên cứu khảo sát hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp (do Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển - Depocen thực hiện dưới ủy quyền của Dự án Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong kinh doanh - do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững - VCCI quản lý) chỉ ra rằng, chính doanh nghiệp đang làm méo môi trường kinh doanh, vốn đang trong quá trình cải thiện và còn nhiều rào cản của Việt Nam.

Thậm chí, theo các chuyên gia nghiên cứu của Depocen, thói quen, tư duy về “văn hoá phong bì” đã tác động sai lệch đến nhận thức, góp phần tạo nên một hệ chuẩn mực xấu, thông lệ đáng lên án trong văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Thử so sánh 2 tỷ lệ mà các chuyên gia đưa ra, là 58% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không có chính sách ưu đãi cho người phụ trách đàm phán/kinh doanh của phía khách hàng và 60% doanh nghiệp Việt Nam áp dụng chính sách này, có thể thấy, không có sự khác biệt nhiều giữa hình thức sở hữu về mức độ phổ biến, quy mô tham nhũng…

Nếu phân tích lại thông tin về việc các nhà đầu tư từ các quốc gia dân chủ quan tâm lớn tới các yếu tố về tham nhũng, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (so với mức bằng 0 của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia ít dân chủ hơn), trong khảo sát của VCCI với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về tính minh bạch vừa được công bố hồi tháng 2, có thể thấy rất rõ cảnh báo từ các chính các nhà đầu tư về hệ quả của tình trạng “môi trường kinh doanh nào, nhà đầu tư ấy”.

Ông Vinh thừa nhận, sự thay đổi của một vài doanh nghiệp không thể tạo nên hiệu ứng, nhưng một khi cả cộng đồng doanh nghiệp cùng lên tiếng và thay đổi, không chỉ văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp được làm sạch, mà quan trọng hơn, nó sẽ tạo áp lực buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi. 

Điểm thuận lợi là, Chính phủ đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, hệ thống luật pháp đang dần hoàn thiện theo hướng tích cực. Vấn đề là, nhận thức và hành động của doanh nghiệp”, ông Vinh nói.

Các tin khác