Với trên 90% lao động trong các nhà máy là người nhập cư thì "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, Đồng Nai... đang đối mặt với bài toán khó. Nhiều tỉnh thành khác cũng vậy khi mỗi ngày có hàng chục ngàn lao động về quê.
Nguy cơ ngưng trệ vì lao động về quê
Ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - cho biết doanh nghiệp đang lên danh sách làm "giấy đi đường" cho khoảng 2.000 công nhân trở lại sản xuất vào ngày 5-10. Số lao động này chỉ chiếm 5% lao động của doanh nghiệp, song ông Tú cho rằng phải bắt đầu từ con số nhỏ.
Với 42.000 công nhân, khi chính quyền cho mở cửa hoàn toàn, khả năng thiếu hụt lao động rất lớn. Đặc biệt các đơn hàng cuối năm được xem như "phao cứu sinh", theo ông Tú, các chính sách cho công nhân tăng ca, tổ chức về địa phương đón lao động đã được tính đến. Song lâu dài phải chờ chính quyền sớm tiêm đủ vắc xin cho người lao động. Theo ghi nhận, hiện nhiều doanh nghiệp Đồng Nai mới tiêm được cho 40-50% lao động.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) - cho biết bắt đầu từ đầu tuần này, đợt công nhân đầu tiên của công ty mới quay trở lại nhà máy sau khoảng 2,5 tháng ngừng sản xuất. "Chỉ có 125/4.000 lao động của công ty sẽ vào test trước sau đó mới bắt đầu làm việc. Đợt 2 dự kiến đưa thêm 500 công nhân vào sản xuất nhưng cũng chưa biết khi nào. Hiện công nhân vẫn đang vướng mắc rất nhiều về câu chuyện đi lại và tiêm mũi 2 vắc xin để có thẻ xanh" - bà Vân nói.
Theo đó, khoảng 4.000 công nhân Công ty Long Rich đã được tiêm mũi 1 vào thời điểm tháng 6. Đến nay chỉ có khoảng 900 người đang có mặt ở TP.HCM được tiêm mũi 2. "Số còn lại đang ở Bình Dương rất nhiều và hầu hết chưa tiêm mũi 2. Các tỉnh thành cũng chưa cho phép người dân di chuyển sang các địa phương khác nên người lao động của công ty không thể về lại TP.HCM tiêm mũi 2" - bà Vân nêu khó khăn.
Ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - cho hay các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn do giãn cách xã hội mà nguy cơ thiếu hụt lao động rất rõ. Đã có nhiều người lao động về quê, cộng thêm với số lao động đang về và muốn về, tới đây các nhà máy có thể chỉ còn khoảng 50% công nhân.
Nới quy định, tăng hỗ trợ công nhân
Các quy định cũ khiến người lao động mệt mỏi như tới các nhà máy phải xét nghiệm hay phải ở lại nhà máy... đã bắt đầu được tháo gỡ. Từ ngày 1-10, UBND tỉnh Bình Dương quy định người lao động chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc với F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng sẽ được di chuyển tới nhà máy để làm việc.
Khi phát hiện F0 trong nhà máy, quy định mới sẽ chỉ cách ly, phong tỏa phạm vi hẹp tại dây chuyền nơi có F0, thay vì phong tỏa cả nhà máy như trước đây.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết nếu người lao động về quê thì không chỉ gây áp lực lây lan dịch bệnh cho các tỉnh miền Tây mà tại Bình Dương cũng sẽ thiếu hụt lao động, nguy cơ đứt gãy sản xuất. Hiện nay hầu hết người trên 18 tuổi tại Bình Dương đã được tiêm 1 mũi vắc xin và tỉnh đang triển khai tiêm mũi 2, ưu tiên cho công nhân, người lao động trong các nhà máy.
Vì vậy, Bình Dương một mặt hỗ trợ những bà con khó khăn, có nhu cầu chính đáng về quê nhưng cũng kêu gọi người lao động nên ở lại để được tiêm vắc xin và trở lại công việc khi nhà máy hoạt động.
Ngày 3-10, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay vừa chấp thuận cho 11 doanh nghiệp không thực hiện phương án "3 tại chỗ", cho người lao động đi về hằng ngày với tổng số lao động đăng ký hơn 17.500 người. Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp "3 tại chỗ" bổ sung phương án cho người lao động đi về hằng ngày với gần 1.500 người.
Đây là giải pháp mới nhất mà Đồng Nai áp dụng nhằm từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Cụ thể, theo phương án từng bước phục hồi kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, công nhân "vùng xanh" ở quy mô xã/phường, ấp/khu phố và đã tiêm 1 mũi vắc xin (sau 14 ngày) được quay trở lại sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" hoặc đi về hằng ngày.
Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã chi khoảng 2.000 tỉ đồng tổng cộng các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Sắp tới, các chính sách chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được triển khai nhanh và tỉnh cũng tiếp tục rà soát các nguồn quỹ, nếu có khả năng sẽ đề xuất tiếp tục hỗ trợ. Khi các nhà máy mở cửa lại nhiều và có nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn, cơ quan chức năng Bình Dương sẽ có kế hoạch phối hợp với các tỉnh để đón bà con trở lại làm việc.
Tuyển ngàn người, chỉ được hơn trăm! Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, trước nhu cầu lao động tăng, có 28 doanh nghiệp tham gia "săn tìm" lao động với hơn 4.500 việc làm tại sàn giao dịch tuyển dụng lao động trực tuyến sáng 3-10. Tuy nhiên, chỉ có hơn... 150 lao động tham gia và các doanh nghiệp đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ xin việc. Trong đó chỉ có một số vị trí cần tuyển dụng đi làm ngay, còn lại đa số tuyển dụng cho kế hoạch từ nay đến cuối năm, khi ổn định dịch mới đi làm. Thưởng lương để có lao động Theo một chủ đầu tư khu công nghiệp tại Bình Dương, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, các chủ doanh nghiệp cũng nên suy nghĩ để có giải pháp thu hút được người lao động trở lại sau dịch. Ông lấy ví dụ ngoài việc trả lương như thông thường, doanh nghiệp có thể thưởng thêm 1 tháng lương cho người lao động gắn bó với công ty, giúp họ có một khoản chi phí trang trải sau đại dịch. Dù các doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng nếu so sánh những thiệt hại khi phải ngưng trệ sản xuất, trễ đơn hàng thì việc bỏ ra một khoản chi phí để hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại là giải pháp cần thiết. Theo một doanh nghiệp sản xuất giày da lớn tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, về lâu dài cần có những "chất kết dính" giữa doanh nghiệp và người lao động. Như công ty đã cố gắng xây nhà ở xã hội và có chính sách bán trả góp cho công nhân. Thủ tướng yêu cầu giải quyết thiếu lao động Ngày 3-10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị nêu rõ theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội... nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động... Do đó, chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh thành để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch. Các tỉnh thành khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời tiêm vắc xin cho người lao động, xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết phục vụ đời sống người lao động, thống nhất phương án di chuyển của người lao động, tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh... Chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; điều kiện sản xuất; phân bổ kịp thời vắc xin... |