Ảnh hưởng khủng khiếp của dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Nhiều cửa hàng, mặt bằng vì thế được trả lại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khác thuê, trong đó có một số doanh nghiệp bán lẻ có tiềm lực.
Muốn tồn tại phải mở chuỗi
Liên tục từ đầu năm đến nay, hệ thống bán lẻ các sản phẩm công nghệ Di Động Việt của ông Nguyễn Ngọc Đạt không ngừng mở thêm các cửa hàng mới. Cách làm của ông Đạt là luôn chịu khó đi săn tìm các mặt bằng hợp ý nhưng còn trống hoặc vừa được người khác trả lại. Tính đến thời điểm này, hệ thống bán lẻ của doanh nhân này đã lên đến 18 cửa hàng ở TP.HCM và 11 liên kết theo mô hình Shop in shop (cửa hàng trong cửa hàng) với nhà mạng MobiFone.
Ngoài TP.HCM, sắp tới hệ thống này chuẩn bị khai trương thêm một cửa hàng mới tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đạt chỉ khiêm tốn: "Mình chỉ túc tắc làm thôi!", nhưng vẫn cho biết "sẽ tiếp tục không ngừng mở rộng số điểm phục vụ khách hàng".
Một "đối thủ" của Di Động Việt là hệ thống ShopDunk - chuyên bán lẻ các sản phẩm chính hãng Apple - liên tục khai trương nhiều cửa hàng mới trên toàn quốc.
Ông Đoàn Việt Dũng, tổng giám đốc hệ thống ShopDunk, cho biết: "Kế hoạch của bọn mình là nhân rộng mô hình cửa hàng ủy quyền chuyên về sản phẩm Apple ra toàn quốc. Cuối năm 2020, bên mình có 12 cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM và 7 tỉnh thành khác. Đến giờ con số đã lên đến 19 cửa hàng. Quý II tới sẽ mở rộng thêm tại Hà Nội và TP.HCM".
Theo ông Dũng, số người dùng các sản phẩm Apple tại Việt Nam ngày càng lớn nhưng "việc trải nghiệm sản phẩm trước khi chọn mua thì nhiều người ở tỉnh không có điều kiện. Hay với các dòng sản phẩm mới, khách hàng ở tỉnh và thậm chí nhiều nơi ở Hà Nội và TP.HCM cũng khó được trải nghiệm. Hơn nữa, thị trường giờ đã chuyển dịch từ hàng xách tay sang hàng chính ngạch, chính hãng. Vì thế nhu cầu tăng lên, tạo điều kiện và cơ hội để các chuỗi mở rộng".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ những hệ thống đã có tên tuổi lâu nay mà cả những startup bán lẻ cũng thi triển việc mở chuỗi. Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM vào tháng 1-2021, cửa hàng bán lẻ và trải nghiệm laptop ThinkPro đang triển khai thêm 2 điểm bán mới tại Hà Nội và 1 điểm tại TP.HCM.
Ông Trần Văn Long, CEO hệ thống ThinkPro, cho biết các cửa hàng được xây dựng theo tiêu chuẩn khác biệt. Khách có thể trải nghiệm, hỗ trợ sử dụng thực tế 100 mẫu laptop được xây dựng bài bản bao gồm văn phòng - học tập, đa phương tiện, đồ họa 2D, đồ họa 3D, Gaming tầm trung, Gaming cao cấp...
Nhận xét về cuộc đua mở chuỗi của các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, giám đốc tiếp thị hệ thống bán lẻ 24hStore, cho rằng khách hàng giờ đây đã mua hàng dựa trên niềm tin nên các doanh nghiệp bán lẻ nếu không mở cửa hàng theo chuỗi và cửa hàng lớn, tạo uy tín thì khách không có niềm tin và khó lựa chọn.
"Ông lớn" tham vọng chiếm trọn thị trường
Ngày 13-5, Tập đoàn Thế Giới Di Động (TGDĐ) triển khai chương trình cửa hàng cộng tác viên cho hệ thống TGDĐ và Điện Máy Xanh. Theo đó, tất cả cửa hàng bán lẻ các sản phẩm công nghệ, điện máy gia dụng đều có thể tham gia và trở thành điểm bán mở rộng của TGDĐ. Họ có thể bán bất kỳ sản phẩm nào của tập đoàn này cho khách hàng tại địa phương và nhận hoa hồng từ 5 - 20%/sản phẩm. TGDĐ sẽ lo toàn bộ chi phí vận chuyển, giao hàng, kho bãi...
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em - tổng giám đốc TGDĐ: "Toàn quốc hiện có khoảng 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ và chúng tôi muốn bắt tay với họ để mở rộng hệ thống bán lẻ của mình trên cả nước. Các cửa hàng cộng tác viên sẽ là sự hiện diện của TGDĐ và Điện Máy Xanh ở mọi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa".
Được biết, hệ thống TGDĐ và Điện máy Xanh hiện gồm có hơn 2.500 cửa hàng bán lẻ các sản phẩm công nghệ, điện máy, chiếm khoảng 50% thị phần toàn quốc. Các chuỗi lớn khác chiếm khoảng 30%, còn lại 20% là các cửa hàng nhỏ lẻ. Do đó, tham vọng của ông Hiểu Em và TGDĐ là "bắt tay" với cửa hàng nhỏ lẻ để chiếm thế áp đảo bán lẻ công nghệ, điện máy trên thị trường.
Cuối tháng 4 vừa qua, "ông lớn" thứ hai là FPT Shop công bố hoàn thành việc triển khai "thần tốc" 70 trung tâm bán lẻ máy tính xách tay trên toàn quốc. Đây đều là những cửa hàng chuyên biệt, tập trung bày bán các sản phẩm laptop và nhiều phụ kiện có liên quan.
Theo số liệu của Hãng GfK, tốc độ tăng trưởng laptop tại FPT Shop đã tăng gấp 2 lần so với thị trường chung. Với tổng cộng 630 cửa hàng, hiện FPT Shop chiếm hơn 30% thị phần, là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng số 1 trên thị trường bán lẻ laptop.
"Với mức tăng trưởng đột phá 60% trong năm 2020, laptop là một trong những mảng đóng góp lớn vào doanh thu và lãi gộp của FPT Shop. Hệ thống cũng đặt mục tiêu trong năm 2021 tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong về sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp và đặc biệt là laptop gaming", ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc ngành hàng viễn thông di động, hệ thống FPT Shop, chia sẻ tham vọng.