Doanh nghiệp dự cảm gì về kinh tế năm 2024?

(ĐTTCO) - 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp cả ở mảng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến hàng tiêu thụ giảm mạnh, tồn kho gia tăng.

Doanh nghiệp dự cảm gì về kinh tế năm 2024?

Năm mới 2024 liệu tình hình có sáng hơn? ĐTTC ghi lại ý kiến một số DN, hiệp hội để thấy những dự cảm, lắng nghe những kỳ vọng và cả những kiến nghị của DN.

Ông LÊ TRÍ THÔNG, Tổng Giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM:

Kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế

Tôi kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế của Nhà nước sẽ tạo nên các tác động tích cực đối với nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nửa sau của năm 2024. Theo đó, chúng ta có thể hiện thực hóa một phần lợi thế trong sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những bước chạy đà để cất cánh cho nền kinh tế trong dài hạn ngay trong năm 2024.

le-tri-thong-3627.jpg

Tuy nhiên, năm 2024 vẫn sẽ có nhiều thách thức và tiếp tục "phân hạng" các DN. Theo đó, DN có nền tảng tốt hoặc đã sẵn sàng cho việc tái tạo, sẽ tiếp tục tìm kiếm được lợi thế mới và tăng trưởng mạnh hơn. Còn DN có nền tảng yếu hơn hoặc chưa sẵn sàng cho việc nhấn nút tái tạo, sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức và khó khăn.

Với PNJ, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cấp của hoạt động nhấn nút tái tạo để tiếp tục tối ưu hóa quy trình vận hành kinh doanh của công ty, nhằm tạo ra sự tối ưu về chi phí và tốc độ giới thiệu các sản phẩm mới, cũng như các dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng. Trong năm 2024 chúng tôi sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm mới, được thiết kế riêng để phục vụ nhóm khách hàng khác nhau, nhằm mang lại sự thỏa mãn cao hơn cho khách hàng.

Ông HỒ QUỐC LỰC, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta:

Liên kết ngành hàng là giải pháp căn cơ

Khó khăn của ngành tôm sẽ kéo dài ít nhất tới nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Mỹ sẽ là rủi ro không nhỏ cho năm 2024. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn giữ vững đội ngũ, là nền tảng mạnh mẽ để vượt qua khó khăn thách thức.

Vì lẽ đó, năm 2024 theo đánh giá của tôi ngành tôm sẽ duy trì nhịp độ năm 2023 và phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng 10%. Với riêng Sao Ta chúng tôi đề ra mục tiêu tăng trưởng 10-15% cho năm 2024.

Song để ngành tôm Việt Nam có thể vươn tầm bền vững trong tương lai cần chú ý tới một số giải pháp như tăng cường liên kết ngành. Tôi coi liên kết ngành hàng là giải pháp hết sức căn cơ để duy trì tính ổn định, bền vững, để tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành.

ong-ho-quoc-luc-49.jpg

Cùng với liên kết phải có sự nỗ lực của từng mắt xích trong chuỗi giá trị, bao gồm chế biến, nuôi, con giống, thức ăn… Ngoài ra, phải coi trọng công tác thị trường, cụ thể là thông tin. Theo đó, thông tin phải được tìm hiểu, thu thập, cập nhật kịp thời về cung cầu tôm thế giới, các biến động lớn kinh tế, chính trị, xã hội thậm chí thiên tai tác động tiêu cực, tích cực tới cung, cầu… Từ đó các doanh nhân mới có nguyên liệu, gia vị để “nấu bài toán” sách lược, chiến lược kinh doanh tôm cho mình.

Nhưng chúng ta thiếu đầu mối thu thập này, bởi các thông tin định kỳ từ Bộ Công Thương, VASEP, các cơ quan khác còn chậm và chưa đủ, nên các doanh nhân đều chủ động nhưng hiệu quả chưa cao. Vì thế rất cần có cơ quan chuyên ngành hỗ trợ về dài hạn.

Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):

Đổi mới sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng đa dạng, chất lượng cao

Trong năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Với đà tăng trưởng này, dự báo tình hình kinh doanh du lịch trong năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan. Theo đó, xu hướng du lịch nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

315ong-pham-huy-binh-chu-tich-saigontourist-group-6754.jpg

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, thời gian gần đây Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách kích cầu, như miễn visa cho nhiều quốc gia… hy vọng khách quốc tế sẽ đến Việt Nam nhiều hơn trong năm tới. Đặc biệt, du lịch MICE tại Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá nhờ có nhiều tiềm năng về du lịch MICE, với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng tốt, chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cần đổi mới sản phẩm, dịch vụ theo hướng đa dạng, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững đang ngày càng phổ biến, đòi hỏi các DN du lịch cần có sự đổi mới, thích ứng, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch.

Năm 2024, Saigontourist Group sẽ tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt các kịch bản, giải pháp hồi phục thị trường trong nước và quốc tế, cũng như các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các địa phương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, thể hiện vai trò tiên phong của tổng công ty trong hành trình phát triển du lịch TPHCM và cả nước.

Saigontourist Group tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Tối đa doanh thu - Tối ưu lợi nhuận”. Đây là giải pháp tăng doanh thu, kiểm soát rủi ro, tiết kiệm chi phí hợp lý, tối ưu hóa giá trị DN, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng hiệu quả kinh tế, lợi thế cạnh tranh, nâng cao nguồn lực, hình thành công nghệ quản lý đặc trưng Saigontourist Group.

Bên cạnh đó, mở rộng tổ chức các sự kiện ẩm thực Việt Nam tại các nước, tăng cường quảng bá tiếp thị quy mô lớn trên thế giới.

Ông NGUYỄN NGỌC LUẬN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu:

Nắm bắt cơ hội phát triển thị trường trong nước

Hiện sản phẩm cà phê nông sản mang thương hiệu Meet More của chúng tôi chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu (khoảng 70%) còn nội địa khá khiêm tốn (khoảng 30%). Nhưng năm 2024 chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước. Bởi xuất khẩu cà phê dự báo còn nhiều khó khăn, phải tới quý II hoặc quý III-2024 tình hình thế giới mới tốt hơn.

Bên cạnh đó, năm 2023 Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN sản xuất cà phê và cả người tiêu dùng. Những chính sách này đã đi vào cuộc sống và từng bước cho thấy hiệu quả.

ong-nguyen-ngoc-luan-5728.jpg

Với riêng những sản phẩm OCOP như của Meet More đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ từ các địa phương đến các bộ ngành, đặc biệt là việc phát triển, kinh doanh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử cũng như các nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi hiện đang phát triển mảng online khá mạnh.

Tôi tin tưởng trong năm 2024, mảng chế biến sâu nông nghiệp sẽ còn nhận thêm được nhiều chính sách tích cực để phát triển, và việc của DN là nắm bắt tốt cơ hội phát triển thị trường trong nước. Tất nhiên để chính sách đến rộng hơn với DN, tôi đề xuất cần phân nhóm DN để có từng chính sách cụ thể theo nhóm.

Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - điện TPHCM:

Sớm có giải pháp bù lãi vay hỗ trợ DN

Những tháng cuối năm 2023 tình hình của nhiều DN có những tín hiệu tích cực hơn, song đó chỉ là sự tăng trưởng trong ngắn hạn. Dù vậy, với các DN trong ngành cơ khí - điện, năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức. Không ít DN kỳ vọng những nút thắt của 2023 sẽ được gỡ trong năm 2024, đặc biệt là nút thắt của chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.

ong-do-phuoc-tong-5170.jpg

Hiện trong DN Cơ khí - điện TPHCM có DN đã được UBND TP phê duyệt tham gia chương trình kích cầu đầu tư, đã vay ngân hàng thực hiện dự án, nhưng đến nay sau 3 năm vẫn chưa được bù lãi vay theo đúng tiến độ của chương trình nên hết sức khó khăn. Được biết, việc này liên quan đến một số quy định mới của pháp luật, nhưng DN rất mong TP sớm có các giải pháp cho vấn đề bù lãi vay để hỗ trợ các DN, phục vụ phát triển kinh tế chung.

Các tin khác