Trong vòng 2 – 3 năm qua, có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam do làm ăn yếu kém, hoặc không thuận lợi bị phá sản, giải thể hoặc do có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng vốn từ đầu, tự giải thể, bỏ trốn. Những doanh nghiệp này đã không trả đủ, thậm chí không trả vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, có không ít nhà đầu tư FDI vào Việt Nam với ý tưởng “tay không bắt giặc”. Họ có chút ít vốn rồi vào kê khai quá mức, lập dự án lớn, kê khai khống cơ sở hạ tầng dự án để vay tiền ngân hàng rồi từ đó đầu tư, lập doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Mỡ nó rán nó”
Điều này có thể thấy khá rõ ở khối các doanh nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc. Theo thống kê trong các năm 1998 – 2010, ở một số địa phương, vốn thực hiện dự án thấp hơn đăng ký ban đầu rất nhiều lần, chỉ đạt khoảng trên 5 tỉ USD. Trong đó, vốn chuyển từ nước ngoài vào chỉ trên 3,36 tỉ USD, còn lại là vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước.
Hiện có hơn 230 dự án của các doanh nghiệp Đài Loan, |
Một ví dụ cụ thể như tại tỉnh Hải Dương, từ năm 2005, UBND tỉnh này chấp thuận cho tập đoàn Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào khu công nghiệp Việt Hoà ở thành phố Hải Dương. Do có nhiều lợi thế: là dự án xây dựng các khu sản xuất công nghiệp, kinh doanh – dịch vụ, khu đô thị, được định hướng trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương nên chủ đầu tư đã dễ dàng vay vốn hàng chục triệu USD từ các ngân hàng: SHB chi nhánh Quảng Ninh, ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đô, Habubank chi nhánh Bắc Ninh…
Nhưng cho đến tháng 5.2010, hai nhà máy của Kenmark đột ngột ngừng sản xuất. Chủ đầu tư bỏ về nước do xảy ra một số tranh chấp trong việc thực hiện dự án. Các khoản nợ của Kenmark tại các tổ chức tài chính Việt Nam khoảng 50 triệu USD dĩ nhiên đã trở thành món nợ xấu đáng kể. Các ngân hàng đã kê biên tài sản của doanh nghiệp này.
Hay tại Phú Thọ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh này, cũng thừa nhận có tình trạng nhiều chủ đầu tư doanh nghiệp FDI bỏ trốn thậm chí có dấu hiệu lừa đảo ngân hàng để lại gánh nặng cho một số tổ chức tín dụng. Ông Hùng nói: “Không ai nghĩ khi họ đến hoành tráng thế rồi để lại một cục nợ và gây ra nỗi đau lớn cho toàn tỉnh”.
Trách nhiệm của ngân hàng
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có hơn 230 dự án của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc được cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động nhưng đã giải thể, phá sản. Trong đó, có một số chủ đầu tư doanh nghiệp FDI có khả năng là lừa đảo do chỉ xin giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó đã rút về nước không thực hiện dự án, chiếm đoạt vốn vay. Hiện nay có 22 dự án tại 12 địa phương nợ ngân hàng không có khả năng trả với số tiền gần 80 triệu USD, chủ yếu ở hai tỉnh Hải Dương và Phú Thọ.
Tại Phú Thọ, ông Vũ Văn Minh, giám đốc Agribank Phú Thọ thừa nhận có một số công ty của Hàn Quốc đã vay trên 12 triệu USD từ ngân hàng này, nhưng khi triển khai dự án, thua lỗ, không trả nợ được nên đã bỏ trốn về nước. Ông này cho biết, UBND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư của những công ty này. Agribank Phú Thọ đã phát mãi toàn bộ mặt bằng nhà xưởng, máy móc của các công ty này, tìm kiếm nhà đầu tư tiếp nhận nhà máy để thu hồi nợ đọng. Tuy nhiên, hiện nay, số tiền thu hồi lại mới chỉ đạt gần 60.000 USD.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng dự án để vay vốn ngân hàng dưới hình thức tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản được hình thành từ vốn vay. Nhưng theo một chuyên gia nghiên cứu về đầu tư nước ngoài, nhiều khi, các tổ chức tín dụng, ngân hàng lại thẩm định giá trị tài sản trên hồ sơ khai báo của doanh nghiệp là chính mà không xét theo đúng giá trị thực tế của tài sản này.
Thực tế khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI bỏ trốn ở Phú Thọ cho thấy, cơ sở không ít doanh nghiệp rất nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, giá trị đất không cao như họ kê khai. Một số lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, nhiều chủ doanh nghiệp FDI kê khai tăng giá trị quá mức để được vay vốn, đến khi họ bỏ trốn, kiểm tra thì mới phát hiện không đạt như vậy. Do đó, với những hậu quả đã xảy ra, chính các ngân hàng, các bộ phận chuyên môn khi thẩm định cho vay vốn phải chịu trách nhiệm nhất định.
Có lẽ một phần vì thực trạng này, ngày 19.9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 1617/CT-TTG gửi lãnh đạo các bộ, UBND cấp tỉnh chấn chỉnh việc cấp phép, quản lý sau cấp phép các dự án FDI trong đó có yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, cũng như hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động.