Gặp khó về thị trường, Máy Brother tạm dừng hoạt động
Công ty TNHH Máy Brother Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản) vừa quyết định phải tạm dừng hoạt động nhà máy của mình tại Khu công nghiệp Tân Trường (Hải Dương) trong vòng 1 năm, từ ngày 1-7-2021 tới ngày 30-6-2022.
Đây có lẽ là quyết định “chẳng đặng đừng”, bởi 7 năm qua, Máy Brother vận hành rất tốt nhà máy chuyên gia công, sản xuất và bán các loại máy khâu, phụ kiện đi kèm phục vụ ngành dệt may, có vốn đầu tư 73 triệu USD này.
“Covid-19 khiến ngày dệt may toàn cầu bị ảnh hưởng khá nặng nề. Khi nhu cầu xuống thấp, thì công ty buộc phải tạm dừng hoạt động”, đại diện của Brother tại Việt Nam cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
Thực tế, Máy Brother, trước nhu cầu giảm sút của thị trường, đã phải cân đối lại hoạt động sản xuất trên toàn cầu. Trước mắt, Máy Brother sẽ tập trung sản xuất các đơn hàng tại nhà máy ở Trung Quốc.
Có một điều… may mắn là, Máy Brother chỉ có 300 nhân viên. Mọi chế độ cho các nhân viên này cũng đã được giải quyết đầy đủ trước khi nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động.
Cùng “họ” Brother, nhưng Công ty Công nghiệp Brother, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại máy in, máy fax, thiết bị điện tử lại may mắn hơn nhiều. Với 5 nhà máy đang hoạt động tại Hải Dương, có tổng vốn đầu tư 180 triệu USD, trong đó có một nhà máy vừa khánh thành vào đầu năm nay, Công nghiệp Brother vẫn đang vận hành sản xuất rất tốt.
“Nhưng chúng tôi lại rất thiếu công nhân. Nhà máy của chúng tôi sử dụng nhiều nhân viên ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng sau đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi, các địa phương không cho phép nhận người lao động từ các tỉnh này nữa, nên thiếu khá nhiều”, đại diện của Brother Việt Nam cho biết.
Theo vị này, 5 nhà máy của Công nghiệp Brother hiện có 12.000 lao động đang làm việc. Thiếu lao động, họ đành đề nghị tỉnh hỗ trợ, song tình hình vẫn khá khó khăn.
Trong khi đó, Cargill Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn do Covid-19 đang bùng phát mạnh ở phía Nam. Điểm “cộng” cho hoạt động của các công ty như Cargill là dù Covid-19, nhưng nhu cầu của thị trường vẫn lớn, song cái khó là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng mạnh trong thời gian qua.
“Đó là một thách thức chung của thị trường toàn cầu, cũng như của các đơn vị khác trong ngành. Cargill đã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi là điều không tránh khỏi và chúng tôi hiểu, đây cũng là thách thức chung đối với người chăn nuôi”, ông John Fering, Tổng giám đốc ngành thức ăn chăn nuôi Cargill khu vực Đông Nam Á nói.
Vật lộn trong dịch bệnh
Thông tin khá tích cực từ Bắc Giang, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Đó là tính đến nay, đã có 263 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, với gần 78.000 lao động, đã hoạt động trở lại. Đặc biệt, tại một số doanh nghiệp lớn, số lượng lao động đi làm trở lại khá lớn.
Chẳng hạn, Foxconn có hơn 17.200 lao động, Luxshare gần 15.000 lao động, Công ty TNHH Si Flex Việt Nam gần 3.000 lao động, còn Crystal Martin là hơn 4.005 lao động… Tuy nhiên, thiếu lao động vẫn là nỗi lo thường trực của các công ty này. Hiện tại, 12 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp lớn như Luxshare, Newwing, Lens Việt Nam… có nhu cầu tuyển mới tới 42.000 lao động. Dịch bệnh Covid-19 khiến một lượng khá lớn người lao động chưa thể trở lại làm việc bình thường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trong khi các doanh nghiệp ở phía Bắc đang dần ổn định trở lại thì “tâm điểm” phía Nam lại trở nên “nóng bỏng”.
Hơn 33.000 công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) đã phải tạm nghỉ việc, khiến hoạt động sản xuất của công ty này gặp khó khăn. Trong số này, có gần 10.000 lao động từ Long An đã không thể đến được nhà máy theo quyết định hạn chế đi lại để phòng dịch. Hơn 3.500 công nhân ở Tiền Giang, Bến Tre của Pouyuen cũng tạm nghỉ với lý do tương tự.
Trong khi đó, 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận đã được đề nghị tạm dừng hoạt động do Covid-19 diễn biến phức tạp. Tương tự, các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng đang vật lộn vì Covid-19, có nhà máy bị phong tỏa, có nhà máy không thể hoạt động bình thường vì quá thiếu lao động.
Cargill cũng có nhà máy ở Bình Dương. Nhưng may mắn, cho tới thời điểm này, nhân viên của Cargill vẫn an toàn trong dịch bệnh.
Ngoài các biện pháp như tuân thủ 5K, giám sát người ra - vào, hạn chế nhân viên đi lại tới các vùng có yếu tố dịch tễ, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học cho tất cả các khâu tiếp liệu - sản xuất - giao hàng - tư vấn tại trại, ông John Fering cho biết, tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch, Cargill đã “bố trí nơi ăn ở chu đáo cho các nhân sự chủ lực tại nhà máy để hạn chế việc di chuyển và hạn chế rủi ro tiếp xúc với các nguồn lây bệnh bên ngoài”.