Doanh nghiệp Hoa Kỳ đau đầu với Brexit

(ĐTTCO) - Là nhà đầu tư ngoại quốc số 1 tại Anh với hơn 500 tỷ USD và khoảng một triệu công dân đang làm việc trên quê hương của Shakespeare, các tập đoàn Hoa Kỳ đang đau đầu vì Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

(ĐTTCO) - Là nhà đầu tư ngoại quốc số 1 tại Anh với hơn 500 tỷ USD và khoảng một triệu công dân đang làm việc trên quê hương của Shakespeare, các tập đoàn Hoa Kỳ đang đau đầu vì Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Sau cú sốc ban đầu với kết quả trưng cầu dân ý của Anh, các tập đoàn Hoa Kỳ bắt đầu vận động để London và Brussels chia tay một cách êm thắm, tránh để các quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ bị tổn thất. Trong số 28 thành viên EU, Anh là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Kỳ và là khách hàng quan trọng thứ 5 của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Năm 2015, các doanh nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu hơn 56 tỷ USD hàng hóa sang thị trường Anh. Hầu hết tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều xem nước Anh là cửa ngõ vào EU. Khác với Pháp, Đức hay Italia, nước Anh còn có thêm nhiều lợi thế trong mắt các doanh nhân Hoa Kỳ. Một là chính sách thuế khóa ưu đãi; thứ hai là luật lao động của Anh uyển chuyển hơn so với của Pháp và thứ ba là ngoài mối quan hệ truyền thống về ngoại giao, chiến lược, quân sự, Anh-Hoa Kỳ sử dụng cùng một ngôn ngữ, gần gũi với nhau về mặt văn hóa.

Đây là những yếu tố khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ, từ nhãn hiệu quần áo Gap đến Caterpillar - ông vua trong ngành chế tạo máy công cụ cho công trường, rồi từ các đại gia trong ngành xe hơi đến hãng xe vận tải Penske, từ hãng chế tạo máy photocopy Xerox đến ông khổng lồ điện lực General Electric đều đã dành nhiều ưu tiên cho thị trường Anh. Với Caterpillar, nước Anh là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất của hãng tại châu Âu. Trong khi đó, hãng xe Ford thực hiện đến 20% doanh thu trên quốc đảo này và do vậy Ford không loại trừ khả năng sẽ phải xét lại chiến lược phát triển tại đảo quốc sương mù nếu như đây không còn là đầu cầu bắc vào thị trường chung châu Âu với hơn 500 triệu dân.

Nhãn hiệu quần áo Gap nổi tiếng của Hoa Kỳ có doanh thu cao ở thị trường Anh.

Nhãn hiệu quần áo Gap nổi tiếng của Hoa Kỳ
có doanh thu cao ở thị trường Anh.

Nhưng đó là những tính toán về lâu dài. Trước mắt, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang lo ngại khi đồng bảng Anh mất giá (12% trong những ngày đầu sau thắng lợi của phe đòi Brexit) khiến hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Anh trở nên đắt đỏ. Hay thu nhập từ các cơ sở đặt tại Anh được tính sang USD bị thu hẹp lại, các dự án đầu tư vào Anh quốc bị đình chỉ.

Ngày 24-6 vừa qua, khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, trên sàn chứng khoán New York cổ phiếu của 5 tập đoàn ngân hàng lớn Hoa Kỳ là JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley mất giá từ 2-5%. Chỉ riêng 5 tập đoàn ngân hàng này có nhiều chi nhánh tại London và đang bảo đảm công việc cho hơn 40.000 nhân viên tại đảo quốc sương mù. Nguyện vọng ra khỏi EU của người Anh sẽ đem lại những thay đổi cơ bản cho ngành tài chính và ngân hàng. Đại diện của JP Morgan Chase cho biết sẽ có từ 1.000-4.000 người trên tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này phải chuyển chỗ làm, từ Anh sang quốc gia khác. Morgan Stanley cũng đang tính tới kế hoạch bố trí lại nhân sự và đặt địa bàn lại trên châu lục. Citigroup có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ireland...

Giới phân tích cho rằng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ mất cả chục tỷ USD khi phải lập đầu cầu khác. Nhưng ngược lại, trong một thế giới nhất thể hóa với phương tiện thông tin và chuyển tiền điện tử có tốc độ tức thời, trung tâm New York lại có thêm lợi thế. Có lợi nhất ngày nay là giới luật sư tư vấn về kinh doanh đang được thuê mướn để thương thuyết và đạt thỏa thuận về quy chế giao dịch mới giữa 2 bờ Đại Tây Dương qua tới vành cung Thái Bình Dương.

(Tổng hợp)

Các tin khác