Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, cả nước có 3.523 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020, có 4.642 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Tính chung 11 tháng của năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.100 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%. Bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thực tế cho thấy dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí kiệt quệ. Thời điểm cuối năm, nhiều người lao động đang lo ngại sẽ không có thưởng Tết hoặc thưởng rất thấp do kinh tế khó khăn.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, nhân viên marketing tại một doanh nghiệp kinh doanh các dòng mỹ phẩm dành riêng cho nam tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số công ty giảm khoảng 30%. Trong nhiều tháng khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, công ty đã cắt giảm 50% lương tháng của nhân viên, từ gần 9 triệu đồng/tháng, mức lương của anh Tuấn chỉ hơn 4 triệu đồng.
Cuối năm, dù chưa có thông báo chính thức về mức thưởng Tết, nhưng anh Tuấn cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng đã xác định năm nay sẽ không có thưởng.
“2 năm liền bị ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm, tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lương thưởng đều bị cắt giảm. Tết năm ngoái công ty cũng không có thưởng Tết, năm nay tình hình còn khó khăn hơn nên cũng không hy vọng sẽ có thưởng’, anh Tuấn cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thúy làm việc tại một doanh nghiệp may mặc tại Hải Dương cho biết, công ty đã thông báo sẽ cố gắng để có thưởng Tết cho người lao động, nhưng dự kiến, mức thưởng Tết dương dịch và Tết âm năm nay sẽ thấp hơn năm trước.
“Năm ngoái Tết Dương lịch, mỗi lao động được thưởng 500.000 đồng, tết Nguyên đán được thưởng 2 triệu đồng cùng quà Tết là sản phẩm của công ty. Năm nay dịch bệnh kéo dài, nhiều thời điểm không có đơn hàng, công ty phải tổ chức làm việc luân phiên, lương thưởng hàng tháng của công nhân đều bị cắt giảm, nên mức thưởng Tết năm nay có lẽ cũng sẽ giảm mạnh", chị Thúy nói.
Ông Trần Trung Kiên Giám đốc Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Nhập khẩu và phân phối American Care chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm chăm sóc xe hơi cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm trong lĩnh vực ô tô giảm mạnh, doanh thu công ty bị sụt giảm. Thời điểm này, ông Kiên cho biết, doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể, nhưng dự kiến vẫn có thưởng.
“Chúng tôi vẫn sẽ thưởng để khích lệ tinh thần người lao động, dù công ty mới thành lập nhưng nhân sự làm việc đều là những người có từ 10-20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, do đó doanh nghiệp vẫn sẽ có mức thưởng Tết theo đúng quy định”, ông Kiên nói.
Còn theo ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng Nhân sự công ty Trà Cozy, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
“Khu vực miền Nam là thị trường lớn của công ty, nhưng khi dịch căng thẳng, các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Tuy nhiên lượng hàng xuất khẩu vẫn duy trì tốt dù việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, ban giám đốc công ty dự kiến vẫn giữ nguyên tháng lương thứ 13 thưởng Tết cho người lao động, ngoài ra việc thưởng thêm cho các công ty thành viên sẽ dựa vào kết quả kinh doanh cụ thể. Mức thưởng không tăng nhưng cũng không giảm, vẫn giữ ổn định so với năm ngoái’, ông Lê Tuấn Anh nói.
Theo ông Lê Tuấn Anh, trước đó Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công nhân trong các nhà máy chế biến của công ty được thưởng từ 7-10 triệu đồng, nhân viên bộ phận văn phòng được thưởng từ 15-25 triệu đồng, tùy từng vị trí làm việc.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh văn phòng Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam dự kiến các doanh nghiệp thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Ocop Việt Nam năm nay vẫn sẽ có thưởng Tết, mức thưởng tùy thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
Theo bà Thúy, thưởng Tết là hình thức động viên, khuyến khích người lao động để tăng sự gắn kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch bệnh, khó khăn là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, bởi vậy người lao động cũng nên có sự chia sẻ với người sử dụng lao động.
Nói về mức thưởng Tết năm nay, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thời điểm này rất khó để đưa ra nhận định về dự kiến mức thưởng Tết so với các năm trước.
Song đánh giá chung dựa vào tình hình sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Quang Thành cho rằng, người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp, mục tiêu trước mắt cần cùng với doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giữ được việc làm bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng mức thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 không được pháp luật quy định, tức khoản tiền này là không bắt buộc trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã có thỏa thuận về mức lương này và ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp sẽ buộc phải chi trả.
Trong bối cảnh như hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhận định nhiều ngành nghề có thể sẽ không có thưởng Tết, song đây cũng là khó khăn chung mà người lao động và doanh nghiệp nên cùng chia sẻ để phục hồi sản xuất sau dịch.