Tín hiệu mới từ ngành cơ khí
“Thị trường bất động sản chững lại đã tác động đến ngành cơ khí - điện trong nước. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp đang có dấu hiệu phát triển tốt khi nhiều nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước vẫn tiếp tục mở rộng hay đầu tư mới”, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM Đỗ Phước Tống nhận định.
Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (huyện Hóc Môn, TPHCM) khẩn trương sản xuất ngay đầu năm. Ảnh: LẠC PHONG
Nhìn lại năm qua, ông Đỗ Phước Tống tâm sự, DN trong ngành hết sức khó khăn do thiếu đơn hàng, một số DN đã phải giảm hoặc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cũng có những DN tiếp tục mở rộng quy mô nhằm đón đầu thời cơ mới khi nền kinh tế trong nước và thế giới ổn định trở lại. Đơn cử, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh mở rộng đầu tư thêm nhà xưởng gần 200 tỷ đồng, trong đó, riêng phần đầu tư cho phân khúc sản phẩm mới “sản xuất chi tiết máy bằng phương pháp ép bột kim loại và thêu kết” chiếm gần 100 tỷ đồng. Việc đầu tư này nhằm đón đầu lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tương tự, dù đơn hàng không quá dồi dào nhưng từ ngày mùng 6 Tết, Công ty CP Minh Việt Sơn đã khai trương để sớm hoàn thành những đơn hàng đầu năm, đồng thời đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2023 tăng 15%. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Việt Sơn Lê Văn Lợi, năm qua, ngành kết cấu thép rất khó khăn, một số DN đã phải “rời cuộc chơi”, chỉ còn lại những DN có quy mô lớn, nguồn vốn mạnh. Tuy nhiên, năm nay kỳ vọng khởi sắc hơn khi nhiều DN Nhật Bản thông tin mở rộng đầu tư vào Việt Nam, giúp ngành kết cấu thép có cơ hội ký kết đơn hàng với những nhà đầu tư phía Nhật Bản cũng như chuỗi DN đi theo, mở ra cơ hội mới cho DN trong nước.
Ngành dệt may chủ động 50% nguyên liệu
Năm qua, ngành dệt may trong nước được đánh giá là rất khó khăn bởi đơn hàng bị đứt gãy do lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu. Bước sang năm 2023, những khó khăn vẫn còn nhưng nhiều DN dệt may có niềm tin tăng trưởng trở lại. Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (huyện Hóc Môn, TPHCM) có 6 dây chuyền thì 4 dây chuyền hoạt động cầm chừng. “Tình hình này thì không lâu nữa là “đứt” hàng. Chúng tôi đang ráo riết kết nối với anh em bạn hàng để chia sẻ đơn hàng, kỳ vọng đầu
quý 2-2023 sẽ có đơn hàng mới”, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt Lê Nhung chia sẻ. Tại Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp, TPHCM), do đơn hàng ít nên năm nay khai trương muộn, và công ty cũng đang tìm kiếm những đơn hàng mới. Theo các DN dệt may, việc tồn kho hàng gia công may mặc của DN trong nước tại các kho của bạn hàng ở Mỹ, châu Âu… là nguyên nhân chính không phát sinh đơn hàng mới.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, bài học từ năm 2022 đã buộc DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi, và đặc biệt là đa dạng hóa thị trường. Trong khi đó, dự báo tổng cầu dệt may thế giới phục hồi trong nửa cuối năm. Do vậy, tăng trưởng của ngành năm 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các tín hiệu kinh tế thế giới trong quý 1-2023. Một yếu tố quan trọng nữa làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Hiện, ngành dệt may đã chủ động khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu.