Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, một số thương nhân đầu mối đã có thông báo giảm mức chiết khấu cho các đại lý kể từ ngày 8-3 xuống chỉ còn 400-500 đồng/lít với dầu và 700 đồng/lít với xăng (E5RON92 và RON95). Thậm chí, có một số tổng kho ở miền Bắc đã thông báo áp mức chiết khấu mới là 300-400 đồng/lít với xăng và 100 đồng/lít với dầu.
Cá biệt, có một số kho thông báo chiết khấu bằng 0 đồng/lít với cả xăng lẫn dầu kể từ ngày 8-3. Theo tính toán của các đại lý, hiện nay, mức chiết khấu phải trên 1.000 đồng/lít mới có thể có lãi. Trong khi chiết khấu có nguy cơ tụt về 0 đồng/lít thì nhiều đại lý cho biết, vài ngày gần đây còn khó lấy được hàng.
Trước tình trạng các đầu mối lại “bóp” chiết khấu, có thể tái diễn cảnh khan thiếu xăng dầu như đã xảy ra vào năm 2022, ngày 8-3, nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối yêu cầu điều chỉnh chiết khấu hợp lý, đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy; thực hiện một số giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu các đầu mối nhập khẩu theo kế hoạch đã được giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung ngày 24-2. Các đầu mối cũng phải công bố nguồn hàng nhập và xuất bán cho thị trường tại website của doanh nghiệp và báo cáo về Bộ Công thương trước ngày 20 hàng tháng. Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu nào thiếu hàng để bán, thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.