Theo một khảo sát gần đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành lấy ý kiến và cảm nhận của cộng đồng kinh doanh về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, đa số đều đồng tình quan điểm chống dịch và những quyết sách hỗ trợ các thành phần kinh tế nhanh chóng phục hồi để tạo sức bật mới cho nền kinh tế sớm ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn rất cần những nỗ lực nhiều hơn, thực thi các chính sách hiệu quả và nhanh chóng hơn để việc chuyển sang trạng thái bình thường mới được diễn ra đúng lộ trình “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” từ nay đến cuối năm, cũng như sẵn sàng cho năm 2022 sắp tới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh rất nhiều chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 đã được ban hành như Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 với các gói hỗ trợ cụ thể về thuế, phí, miễn giảm giãn hoãn tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí và lệ phí ở một số các lĩnh vực...; hay như Nghị quyết 126/NQ-CP và Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
Tuy nhiên, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện "bình thường mới" chắc chắn sẽ mất nhiều năm.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng cần được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, ngành, doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.
Dù đánh giá cao các chính sách hỗ trợ, song ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (HANOISME) cho rằng, còn khoảng cách khá lớn giữa chính sách và đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.
Cụ thể, ngoài những chính sách hữu ích như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện; gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng thì các doanh nghiệp vẫn cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm vẫn rất khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp.
Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Liên quan tới vấn đề cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse còn phản ánh hiện nay giá thành sản xuất của doanh nghiệp trong nước cao hơn doanh nghiệp Trung Quốc từ 15-20% do có các chi phí phát sinh, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng, ngân hàng, logistics…; chưa kể những tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Vì thế việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục còn tồn đọng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là mong mỏi của doanh nghiệp hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), cho biết doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều trục trặc trong chủ trương đầu tư, thẩm duyệt các thủ tục như phòng cháy chữa cháy; xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, chồng chéo khi một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ ngành.
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện nay còn phức tạp và có những cách hiểu khác nhau, thực thi pháp luật cũng khác nhau giữa các bộ, ngành quản lý và loại hình hàng hóa, nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian đọc hiểu luật chuyên ngành cùng các nghị định hướng dẫn thực hiện.
Vì lẽ đó, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị, các bộ, ngành cần xem xét giảm danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, giảm số nhóm sản phẩm, số lượng dòng hàng và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm tra theo xác suất. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải đến các bộ, ngành mới giải quyết xong. Thực tế này đã làm gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.
Bàn về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định, bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy việc triển khai nhanh, gọn các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ; cùng với ứng dụng công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách.
Nhìn lại những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, ông Lực cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền, lao động; đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng; chi phí đầu vào, phòng chống dịch… tăng, trong khi giá đầu ra khó tăng ngay.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời, tối đa việc tiết giảm chi phí, "giữ chân" lao động và tăng năng suất.
Doanh nghiệp nên thực hiện theo mô hình 5Rs; theo đó phải nhanh chóng thích ứng, linh hoạt; phục hồi càng nhanh càng tốt; tái cấu trúc; đổi mới, sáng tạo và tăng sức đề kháng hay nói cách khác là tăng khả năng chống chịu các cú sốc.
“Đây sẽ là những giải pháp giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khủng hoảng COVID-19," ông Lực nhấn mạnh.