Vắc xin, lãi suất và kích cầu tiêu dùng
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica, cho biết công ty có 4 nhà máy ở Long An, Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương và Hà Nội đều vẫn duy trì sản xuất trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất ở phía nam phải thực hiện 3 tại chỗ (3T), nên chỉ hoạt động 30 - 40%. Từ đầu tháng 10, Long An bỏ mô hình này, nhà máy ở Biên Hòa từ hôm 13.10 cũng chính thức bỏ quy định 3T, hoạt động bình thường trở lại. Riêng Bình Dương vẫn chưa có thông báo mới.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hoàng mong muốn Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo chính sách vừa khôi phục sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch thống nhất, đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Việc doanh nghiệp (DN) đảm bảo sản xuất cũng sẽ góp phần duy trì ổn định công việc cho người lao động, tạo thu nhập cho người dân.
“Đã nói đến chuỗi cung ứng thì phải nhất quán. Việc lưu thông, trao đổi trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần phải được thông suốt vì nếu có chỗ nào ách tắc là gây cản trở lớn cho hoạt động, khiến DN tốn kém nhiều chi phí”, ông Hoàng nói.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhận định ngành nông nghiệp là “điểm sáng” trong đại dịch so với các ngành khác nhưng kế hoạch phục hồi của họ đang bị ảnh hưởng không nhỏ.
Thực tế cho thấy chưa tới nửa tháng sau mở cửa, giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ gạo, cà phê, tiêu, điều đều có phục hồi tích cực. Giá tiêu hiện tại đã 88.000 đồng/kg, dự báo tăng đến mức 100.000 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu của VN đang tăng liên tiếp 5 tuần, dự báo giữ mức ổn định cao trong thời gian tới...
Cùng với tháo điểm nghẽn lưu thông, đưa được hàng hóa về TP, ra cảng để xuất đi khiến nhiều DN phấn khởi, tăng tốc kết nối, mời chào, ký kết hợp đồng. Thế nhưng, khó khăn lớn của DN ngành nông sản xuất khẩu là không có nguồn lao động bốc dỡ hàng hóa. Lực lượng này tuy là lao động chân tay, nhưng có tính chuyên nghiệp cao.
Tuy nhiên, lực lượng này đa số đã về quê, chưa thể quay trở lại TP vì vướng chưa tiêm vắc xin hoặc chốt trạm kiểm tra của các địa phương. Thế nên, ông Đỗ Hà Nam kiến nghị cần có chính sách nhất quán, cởi mở về lưu thông nhiều hơn để người lao động từ các địa phương có cơ hội quay trở lại TP.HCM làm việc.
“Các DN vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay đều có chính sách bảo vệ phòng chống dịch rất tốt và các địa phương nên trao quyền tự quản, tự phòng chống dịch cho họ”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, cơ hội phục hồi của nhiều DN là rất lớn. Nhưng để “chớp” được cơ hội này, họ cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Cụ thể, Chính phủ cần giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng cũng cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc để các DN trong nước sản xuất, cắt giảm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm để tận dụng cơ hội mùa tết chiếm lấy lòng tin của người tiêu dùng.
Thế nên, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ sẽ nhanh chóng có kế hoạch tiêm phủ vắc xin cho người dân trên cả nước để mở lại các kênh bán hàng, tiêu thụ từ chợ truyền thống, chợ đầu mối... cũng như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ cho DN có đầu ra.
Giữ chân người lao động ngay cửa ngõ thành phố
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Shoes (TBS Group), và cũng là lãnh đạo của Hiệp hội Da giày và Túi xách VN, bày tỏ cảm ơn Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát dịch và bắt đầu mở cửa cho các hoạt động sản xuất trở lại.
Là ngành hàng làm hàng theo mùa, hiện đang bước vào giai đoạn đầu cho chu kỳ sản xuất của năm 2022 (từ tháng 10.2021 - tháng 3.2022), nên nếu các DN tạo được niềm tin của đối tác thì đơn hàng cho các chu kỳ sau sẽ tiếp tục được chảy vào VN. Nếu không thì nguy cơ bị mất đơn hàng sẽ xảy ra.
Theo ông Thuấn, thực tế hiện nay các DN đều phải gánh nặng trên vai cùng lúc 3 - 4 trách nhiệm. Đó là việc làm sao tổ chức sản xuất an toàn, lấy lại niềm tin của khách hàng, khôi phục chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như để người lao động an tâm quay lại làm việc.
“Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng chúng tôi hay ngành da giày VN, mà hầu hết các DN hiện nay sẽ không nghĩ nhiều đến vấn đề tìm kiếm lợi nhuận mà chỉ mong sản xuất cân bằng. Đó là cân bằng giữa người lao động, khách hàng, cổ đông và việc đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Nhưng việc tiêm vắc xin ở nhiều tỉnh thành vẫn còn chậm nên chúng tôi mong làm thế nào Chính phủ phải đẩy nhanh việc phủ rộng vắc xin mũi 1 trên cả nước”, ông Thuấn nói.
Ước tính các DN sản xuất hàng xuất khẩu trên cả nước có khoảng 12 triệu lao động thì vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vắc xin. Trong khi đó, năng suất lao động bình quân của các ngành xuất khẩu đạt từ 15.000 - 25.000 USD/người/năm và số lao động đó sẽ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cả nước lên khoảng 250 tỉ USD.
Thế nên, việc khôi phục sản xuất lại càng nhanh cho khối DN này sẽ giúp VN không bị thâm hụt cán cân thương mại, không bị bỏ lại trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Thuấn nhấn mạnh: “Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ở nhiều tỉnh, TP thì mong Chính phủ có những chính sách tiếp tục giảm thuế, phí hơn để hỗ trợ DN”.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty khóa điện tử PHG - “cha đẻ” của ý tưởng “ATM gạo” từ mùa dịch Covid-19 năm 2020 và năm nay là ý tưởng “ATM ô xy”, cho rằng: Trước mắt với TP.HCM và các tỉnh nên ngăn chặn dòng người rời TP.HCM đổ về quê tránh dịch.
“Tôi có kế hoạch và cũng đã trao đổi với Hội Doanh nhân trẻ là kết nối ngay với các DN trong Hội, lập sàn tuyển dụng lao động ngay tại các cửa ngõ TP, trên đường người dân về quê, có thể vào phỏng vấn đạt quay lại TP làm việc ngay. DN phải hỗ trợ người lao động thời gian đầu tiền ăn, ở.
Cụ thể, DN tham gia sàn tuyển dụng này phải kết nối thuê nhà trọ cho công nhân quay lại làm việc trong thời gian đầu, hỗ trợ cả tiền nhà trọ lẫn tiền ăn trong 1 tuần, nửa tháng hay 1 tháng đầu tiên, sau đó công nhân có lương sẽ trang trải và ổn định cuộc sống dần.
Kế hoạch này vừa hạn chế làn sóng về quê của người lao động trong bối cảnh về quê cũng rất khó kiếm việc làm ngay lúc này, mặt khác giúp DN khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn lao động”, ông Hoàng Tuấn Anh đề xuất.
Với người nước ngoài đang sống và làm việc tại VN, ông Tuấn Anh cho biết hiện nhiều người chưa được tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19, TP phải có chính sách thúc đẩy vấn đề này một cách nhất quán và sớm để giúp DN trong và ngoài nước ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, những chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn thời gian trả lãi… tại ngân hàng vẫn chưa đi vào thực tế. Nên giảm lãi suất cho vay xuống 5 - 6% thay vì mức lãi 6,8 - 7,2% mà các DN đang gánh.
“Ngân hàng cần có chính sách giảm lãi suất cho vay và giãn nợ thực tế hơn để DN dễ thở hơn”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Kiến nghị sớm phục hồi đường bay
Chào mừng ngày Doanh nhân VN 13.10 cũng là chào mừng ngày TP.HCM qua gần 2 tuần hồi sinh. Trong đó, 18 khu công nghiệp tại TP đã có khoảng 700 nhà máy hoạt động theo phương án 3 tại chỗ tiếp tục hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, công nhân đã được về nhà và 800 nhà máy đang khởi động, đón người lao động trở lại làm việc.
Ông Nguyễn Văn Bé (Chủ tịch Hiệp hội Các DN Khu công nghiệp TP.HCM) nói: “Hàng trăm DN tại TP.HCM đang ráo riết chuẩn bị tái khởi động sau 8 tháng tổn thất nặng nề vì dịch, kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách cho vay và giảm mạnh lãi suất về tổng dư nợ cho các DN nhằm vực dậy sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu và kể cả tái cấu trúc DN”.
Ngoài ra, các DN nước ngoài tại các khu công nghiệp đang rất cần kết nối các chuyến bay đi ra nước ngoài, kết nối với doanh nhân tại các nước khu vực ASEAN… kiến nghị sớm phục hồi đường bay để đón nhà đầu tư, chuyên gia vào VN làm việc và đưa kỹ thuật viên VN đi đào tạo tại nước ngoài.