PHÓNG VIÊN: - Tính đến thời điểm này số công nhân tại 18 khu công nghiệp-khu chế xuất (KCN-KCX) của TPHCM được tiêm vaccine là bao nhiêu và các DN hiện đang hoạt động như thế nào, thưa ông?
Ông TRẦN THIÊN LONG: - Các KCN-KCX đã tiêm vaccine mũi 1 cho 267.990/288.161 công nhân chiếm 93%, mũi 2 cho 107.604/215.000 công nhân chiếm 50,4%. Khu công nghệ cao (CNC) đã tiêm mũi 1 cho 38.100/45.000 công nhân, mũi 2 là 29.206 công nhân.
Với số công nhân đang ở tỉnh khoảng 45.000 người, chúng tôi có kiến nghị cho họ được trở về TP tiêm mũi 2 đúng hạn nhưng điều này hơi khó. Vì thế, ở những tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, chúng tôi đề xuất có những xe tiêm lưu động tiêm mũi 2 cho những công nhân đến hạn.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong 18 KCN-KCX, hiện đa số đang hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến, một số DN tại KCN ở quận 7, Củ Chi đăng ký thí điểm mô hình 4 xanh.
Thực tế việc sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến cần nhanh chóng được thay đổi, vì DN không chỉ bị tăng chi phí, giảm công suất, còn lo cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động khi phải ở lại DN mấy tháng liên tục. Nếu sau 1-10 vẫn tiếp tục phải sản xuất theo mô hình này, số đông DN chắc chắn sẽ kiệt quệ.
- Được biết mô hình 4 xanh của các DN ở KCN quận 7, Củ Chi đang thực hiện thí điểm nhưng hầu hết DN khác chưa thể triển khai. Ông có thể chia sẻ vấn đề này?
- Điểm mới của phương án sản xuất 4 xanh là "người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo "cung đường xanh".
Đây là mô hình được nhiều DN mong chờ với lý do người lao động có thể trở về nhà sau thời gian làm việc, sẽ tạo tâm lý thoải mái khi làm việc ở nhà máy. Tuy nhiên, việc triển khai sản xuất theo mô hình này còn nhiều bất cập, như việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng chưa hoàn chỉnh, nên việc xác định thẻ xanh vaccine chưa được đầy đủ.
Thêm nữa hầu hết công nhân trong nhà máy 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến đã tiêm mũi 2 mới khoảng chục ngày, nên chưa đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thẻ xanh (sau tiêm chủng 14 ngày mới tạo kháng thể). Chưa kể việc cập nhật vùng xanh trên bản đồ chưa kịp thời, sự thiếu đồng bộ giữa dữ liệu tiêm ngừa của Bộ Y tế và dữ liệu trong di chuyển của công an…
Việc thiếu đồng bộ này khiến DN rất vất vả trong việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng do số lượng công nhân đông.
- TPHCM sẽ từng bước mở cửa lại nền kinh tế theo từng giai đoạn. Các DN trong các KCN-KCX đang chuẩn bị như thế nào và có kiến nghị gì muốn gửi tới các cơ quan chức năng, thưa ông?
- Hầu hết DN đến thời điểm này đều đã có những kế hoạch của riêng mình để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới khi TP mở cửa trở lại nền kinh tế. Thế nhưng trong bối cảnh sống chung với Covid-19, nỗ lực tự thân của DN thôi chưa đủ, rất cần có sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương.
Lắng nghe những tâm tư của DN, chúng tôi có một số kiến nghị. Thứ nhất, cần có quy định cụ thể trong công tác phòng chống dịch tại DN. DN muốn được tự chủ, được giao quyền chủ động để có thể vừa đảm bảo phòng dịch, vừa sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.
Các cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm, DN nào làm sai phải chịu trách nhiệm. DN cũng mong muốn có quy định mới khi phát hiện F0 trong nhà máy, không nhất thiết phải đóng cửa toàn bộ nhà máy, chỉ nên khoanh vùng và cho những bộ phận an toàn tiếp tục sản xuất.
Thứ hai, suốt những tháng qua không ít DN gặp khó khăn trong vấn đề thu dung. HBA kiến nghị TP cho xây dựng các khu thu dung hoặc bệnh viện dã chiến tại các KCN-KCX có điều kiện thành lập. Việc này không chỉ mang đến sự thuận lợi, an tâm cho DN trong sản xuất kinh doanh, còn giúp người lao động yên tâm khi đi làm tại các nhà máy trong điều kiện mới.
Chúng tôi cũng đề xuất các cơ quan quản lý phải có đầu mối thống nhất trong việc tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch. Phải thống nhất sử dụng trên một app các thông tin liên quan đến tiêm chủng để DN thuận lợi trong cập nhật và đăng ký các mô hình sản xuất mới. Tăng cường số hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ để tạo điều kiện tốt nhất cho DN sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới HBA sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số cho DN với chương trình “Phát triển DN số” nhằm hỗ trợ DN duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào chương trình phúc lợi người lao động và kết nối giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại cho DN không chỉ ở thị trường nội địa mà vươn ra thị trường toàn cầu.
Một thách thức nữa các DN phải đối mặt khi nền kinh tế mở cửa trở lại, là việc nhiều công nhân đã về quê sau các đợt giãn cách. Để giải bài toán thiếu lao động của DN, chúng tôi đề xuất cần tạo điều kiện cho công nhân quay lại TPHCM và tiêm đủ 2 mũi vaccine. Cuối cùng là đề xuất liên quan đến liên kết vùng.
Nếu TPHCM mở cửa trở lại, DN đi vào sản xuất trong điều kiện mới, nhưng các tỉnh/thành khác vẫn chưa rộng cửa cho DN, việc đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết. Thực tế thời gian qua mỗi tỉnh triển khai mỗi khác gây nhiều khó khăn cho DN. Vì thế trong tình hình mới rất cần sự chung tay, liên kết của TPHCM và các tỉnh/thành lân cận, tạo điều kiện tốt nhất cho DN.
Cùng với đó, chương trình “Đồng hành chăm sóc sức khỏe người lao động” chúng tôi mới triển khai sẽ được đẩy mạnh. Chúng tôi sẽ kết hợp với nhiều bên để hỗ trợ DN trong việc test nhanh tại nhà máy, hỗ trợ điều trị khi DN phát hiện ca F0 và tư vấn trực tiếp, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người lao động qua tổng đài 1900633336.
- Xin cảm ơn ông.
Dịch bệnh kéo dài, sức khỏe của DN suy kiệt rất nhiều, nhiều DN gần như đã cầm cố hết tài sản. HBA sẽ đồng hành hỗ trợ DN tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. |