Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, từ quý 4-2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó.
Bên cạnh đó, khảo sát của hiệp hội cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2-2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết hiện có một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các DN nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do DN nước ngoài và DN FDI). Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% DN còn 50% đơn hàng, có 50% DN còn 30-40% đơn hàng, các DN còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.
Theo ông Hòa, hiện hầu hết doanh nghiệp đang khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng, với lý do "đang hết room tín dụng", không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay…
Bên cạnh đó, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.
Trên cơ sở thực tế khó khăn trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa đã thay mặt các doanh nghiệp thành phố đã gửi đến thành phố nhiều kiến nghị cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, về chính sách của nhà nước, cần hỗ trợ vốn, tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Cùng với đó, về chính sách hỗ trợ về thuế, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm và gia hạn nộp thuế đối với thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất. Tuy nhiên, chưa thực hiện ưu đãi thuế TNCN đối với người làm công ăn lương, là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua... Vì vậy, việc miễn giảm thuế TNCN trong năm 2023 là cần thiết.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM - cho rằng ngành cơ khí là ngành công nghiệp cơ bản nhưng tại Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng. Nếu không có hậu thuẫn chính sách thì ngành cơ khí rất khó phát triển.
Chương trình kích cầu đầu tư, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã triển khai, nhưng thành phố vẫn chưa duyệt hỗ trợ lãi suất cho vay theo chương trình kích cầu, doanh nghiệp phải bán nhà để giải quyết vốn vay với ngân hàng.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó về "định kiến" chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp làm tốt nhưng vẫn phải chọn cách xuất khẩu hàng sang nước ngoài rồi nhập lại để đảm bảo xuất xứ G7.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp ngành mình, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết: “Hiện nay với lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% thì không thể nào ngành chế biến lương thực thực phẩm kết hợp với nông nghiệp có thể kinh doanh có lãi. Tiếp theo đó, giá điện, giá nước tăng, giá một số nguyên liệu cũng tăng. Các doanh nghiệp của chúng tôi đều hạ mức lợi nhuận xuống dưới 50 - 70%”.
Ông Phạm Văn Việt , Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.
Nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc. Ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng khi các sở, ngành TP nói đã làm hết sức nhưng doanh nghiệp nói vẫn gặp khó, chứng tỏ sự nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông cho rằng, cần nỗ lực hơn nữa để chính quyền thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp theo đúng tinh thần mà TPHCM đã đề ra.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, TPHCM có thể vực dậy, bật lên mạnh mẽ sau đại dịch với đà tăng trưởng hơn 9% là nhờ sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp TP. Trước các đề xuất, kiến nghị liên quan đến thẩm quyền cấp Trung ương, Bí thư Nên nói TP sẽ có tiếp thu và đề xuất. Còn với những tồn tại của TP mà doanh nghiệp đặt ra như về thủ tục, vốn vay, lãi suất thì TP phải nỗ lực để khắc phục. Bí thư Nên cũng mong doanh nghiệp cùng chung tay với TP, khó khăn tới đâu thì có báo cáo để tháo gỡ tới đó chứ không chờ họp.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chia sẻ, năm 2022, GRDP đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu TP đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Cùng với đó những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Để có thể đạt được hiệu quả này, thành phố ghi nhận sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Thế nhưng từ cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền thành phố, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM.