Xúc tiến thương mại hiện đang được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Song trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không ít DN lại thiếu mặn mà với các chương trình này.
Kinh phí cao, hiệu quả thấp
![]() |
Từ chối tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Panama để lựa chọn Hội chợ Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ gỗ và đồ gia dụng Việt Nam (Life Style Vietnam 2013) cùng diễn ra những ngày nửa cuối tháng 4 này là quyết định của không ít các DN trong ngành đồ gỗ.
“Mặc dù đi Panama chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng vẫn phải chịu các chi phí khác như khách sạn, ăn uống, đi lại… nói chung cũng khá tốn kém nhất là trong lúc kinh phí tham gia các chương trình như thế này bị cắt giảm nên chúng tôi chọn tham gia hội chợ tại Việt Nam, vừa tiết kiệm mà hiệu quả có khi lại cao hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện một công ty chuyên về sản xuất đồ gỗ tại TPHCM, chia sẻ.
Hàng năm, những đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC)… tổ chức khá nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài để các DN có thể duy trì mối quan hệ với các khách hàng truyền thống cũng như mở rộng tìm kiếm khách hàng mới.
Đơn cử chỉ riêng ITPC mỗi năm có vài chương trình xúc tiến thương mại sang Campuchia, Myanmar… Song trên thực tế, những chương trình này ngày càng khiến DN cảm thấy “ngán” vì tham gia mà hiệu quả không cao. Lý do được khá nhiều DN đồng tình là các chương trình xúc tiến thường ít tập trung vào một lĩnh vực, ngành hàng, trong khi chi phí tham gia lại cao do phải di chuyển ra nước ngoài…
Ông Nguyễn Bảo, Tham thán Thương mại Việt Nam tại Australia, cũng chia sẻ: “Các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam nhiều khi chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng ta nên học hỏi các nước để có cách thức hỗ trợ các DN xuất khẩu như mời các DN nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam. Cách này có thể giúp các DN tiết kiệm chi phí mà nhà nhập khẩu lại hiểu rõ hơn về DN trong nước”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Bá Học, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều, phân tích: “Việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài là tốt, nhưng với một số ngành chủ lực, có tiếng trên thị trường thế giới, các cơ quan chức năng nên tổ chức các chương trình hội chợ trong nước, mời các nhà nhập khẩu nước ngoài đến Việt Nam”.
Nhân rộng Life Style
Về phía các đơn vị tổ chức một trong những lý giải cho tính hiệu quả chưa cao của các chương trình xúc tiến thương mại là do kinh phí Nhà nước dành cho xúc tiến thương mại có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Như vậy, trong bối cảnh Nhà nước cắt giảm kinh phí, DN cắt giảm kinh phí nên chăng chúng ta hãy nhân rộng những mô hình như Life Style.
Life Style Vietnam do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vào tháng 4 hàng năm hiện đang là một hội chợ có nhiều tiếng vang. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Life Style Vietnam đã thu hút 1.535 công ty nhập khẩu từ 25 nước và số lượng đơn hàng ký ngay tại hội chợ lên đến 16 triệu USD.
Có khá nhiều nguyên nhân khiến Life Style thu hút được các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhưng trong đó sự chọn lựa kỹ lưỡng các DN tham gia hội chợ chính là điểm quan trọng tạo nên thành công.
“Khác với các hội chợ thương mại khác, Life Style Vietnam là một quá trình chọn lựa kỹ lưỡng các DN tham gia triển lãm kết hợp với một dịch vụ khách hàng ấn tượng có thể đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của từng nhà nhập khẩu” - ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, khẳng định. Ngoài ra, các DN tham gia Life Style còn được tham dự các hội thảo chuyên đề về các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu do các chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Các khách thương gia quốc tế có cơ hội tham gia các tour du lịch miễn phí đến các nhà máy sản xuất. Ông Nguyễn Bảo cho biết thêm, trước mỗi kỳ hội chợ, đơn vị tổ chức Life Style Vietnam thường liên hệ với các tham tán thương mại, nhờ hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu chương trình với các nhà nhập khẩu của nước sở tại. “Đây là mô hình rất cần được nhân rộng tại Việt Nam” - ông Bảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ý kiến của một số tham tán thương mại Việt Nam, truyền thông có sức mạnh hết sức ghê gớm. Chính vì thế, để quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, nếu được, chúng ta nên mời các hãng truyền thông nước ngoài đến tham quan, viết bài thông qua cảm nhận của họ về hàng hóa Việt Nam.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tất cả chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài đều không có hiệu quả và lãng phí.
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khi các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp ngày càng bị hạn chế thì xúc tiến thương mại là cần thiết. Song như đã nói, nên tổ chức có tính chuyên ngành, có sự chọn lọc… để giảm chi phí cho cả Nhà nước và DN và hiệu quả mang lại đúng như mong muốn của nhà tổ chức.