Ngày 30-11, Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TP HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp cùng với các sở, ban, ngành thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM.
Hội nghị do Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan chủ trì; cùng sự tham dự của ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM; ông Mizushima Kozo, Chủ tịch JCCH tại TP HCM cùng đại diện các sở, ban, ngành của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại TP HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết với chủ đề năm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid 19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", tính đến thời điểm hiện tại, TP HCM đã đạt nhiều kết quả tích cực so với kế hoạch đề ra. Thu hút đầu tư nước ngoài thuộc tốp đầu cả nước.
Tại hội nghị, vấn đề được các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị liên quan đến hoạt động của taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất; kiến nghị đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch…
Theo đó, doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh hiện tượng taxi "dù" hoạt động tại khu đưa đón khách sân bay Tân Sơn Nhất, lấy mức phí cao gấp nhiều lần taxi thông thường, bị trộm cắp tiền mặt khi ở trên taxi… Số liệu của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản nhận được, trong năm 2022 có 12 vụ xảy ra và riêng tháng 10 vừa qua có 5 vụ phát sinh.
"Để bảo vệ an toàn cho mọi người, trong đó có người nước ngoài, JCCH đề nghị TP HCM tăng cường xử lý các xe vi phạm, có biện pháp nâng cao ý thức tài xế, có giải pháp bảo vệ hành khách như quy định tài xế bắt buộc phải công khai tên hãng xe, tên và số hiệu tài xế, số xe… cho hành khách ngay khi lên xe" – các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.
Trả lời vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, cho biết taxi "dù" đã bị cấm hoạt động. Do đó, hành khách là người nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, không nên bắt taxi "dù" ở ngoài đường mà khuyến khích đặt taxi qua app (ứng dụng) hoặc gọi xe công nghệ. Mọi thông tin cần phản ánh qua cổng tiếp nhận và phản ánh thông tin số 1022 của TP HCM.
Một lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đang tiếp tục nỗ lực cải thiện tất cả các khâu để phục vụ hành khách qua sân bay an toàn, thân thiện, bảo đảm môi trường. Sau 2 năm COVID-19, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đang phục hồi và dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 30 triệu lượt khách, trong khi công suất của cảng chỉ khoảng 28 triệu hành khách/năm.
"Bên cạnh sự quá tải về hạ tầng, liên quan đến vấn đề taxi, thời gian qua cảng đã tăng cường biện pháp chế tài đối với tài xế như công khai tên, số hiệu; khi hành khách phản ánh sẽ xử lý ngay. Tân Sơn Nhất có số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ hành khách, cảng cũng chấn chỉnh chất lượng dịch vụ tại sân bay.
Sau bàn tròn hôm nay, cảng sẽ tiếp tục phối hợp với ITPC có thông báo cho JCCH số điện thoại đường dây nóng để doanh nghiệp có thể thông báo lại cho cán bộ, nhân viên và nhà đầu tư là người Nhật Bản khi đi công tác tại TP HCM biết, phản ánh. Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ" – lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị TP HCM có đường dây nóng hỗ trợ du khách khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng có thể liên hệ qua điện thoại bằng tiến Anh, đề nghị bổ sung các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật và bổ sung thêm các hình thức liên lạc khác như email, viber, zalo, facebook…
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết khi du khách trong nước và nước ngoài phản ánh có sự vụ, đơn vị tiếp nhận là Sở Du lịch TP HCM sẽ phân chia đầu mối hỗ trợ trực tiếp như công an, giao thông hay cơ quan ngoại giao… "Ngành du lịch thành phố cam kết tiếp nhận và hỗ trợ tối đa xử lý phản ánh của du khách" – ông Hiền Hòa nói.