Sau 1 năm bội thu, đạt lợi nhuận kỷ lục, các công ty đa quốc gia lớn của Nhật Bản đang bắt đầu cảm thấy áp lực của đồng USD tăng giá và sự tăng trưởng chậm tại các thị trường mới nổi.
Những ông lớn Toyota, Panasonic và Hitachi đã có năm tài khóa 2014-2015 không thể tuyệt vời hơn khi lợi nhuận tăng mạnh do giá đồng yen suy yếu, khiến sản phẩm của các nhà sản xuất Nhật Bản cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, những khoản lợi nhuận này sẽ bắt đầu suy giảm cuối năm nay khi đồng USD duy trì được sức mạnh so với các đồng tiền khác.
Lợi thế này được thể hiện trong 12 tháng (tính tới tháng 4-2015), các hiệu ứng về tiền tệ đã giúp nâng lợi nhuận hoạt động của 7 hãng xe Nhật Bản đạt mức 580 tỷ yen (tương đương 4,8 tỷ USD). Điều này chủ yếu do đồng yen giảm so với USD.
Tuy nhiên, với tác động về việc đồng USD tăng giá, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dự báo lợi nhuận sụt giảm trong hoạt động sản xuất tính đến tháng 3-2016 của năm tài khóa năm nay sẽ giảm 170 tỷ yen. Nguyên nhân chính do tiền mua xe ô tô chủ yếu được tính bằng USD. Đồng bạc xanh đã tăng giá so với nhiều đồng tiền của thị trường mới nổi và đồng EUR.
Trong trường hợp của Honda, các nhà điều hành của hãng này cho hay chi phí sản xuất sẽ tăng lên do sự sụt giá của đồng real Brazil, đô la Canada và đồng peso của Mexico. Nissan cũng đang phải vật lộn khi đồng rúp Nga và đồng baht Thái rớt giá. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, đồng real của Brazil đã giảm 14%, đồng đô la Canada giảm 6% và đồng peso của Mexico là 3%. Trong năm qua, đồng rúp của Nga giảm 32% và đồng baht Thái giảm 3,6%.
Kiểm tra trước khi xuất xưởng tại nhà máy Toyota. |
“Để đối phó với tỷ giá hối đoái kiểu này, nội địa hóa các thiết bị, chi tiết của sản phẩm là cách duy nhất” - Carlos Ghosn, Giám đốc điều hành của Nissan, cho biết. Ngay cả Toyota, tập đoàn được dự đoán sẽ có năm thứ 3 liên tiếp đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ doanh số bán hàng tăng mạnh tại Bắc Mỹ và nỗ lực cắt giảm chi phí cũng cảm nhận được sức ép của của đồng USD tăng mạnh.
Trong khi đó, trong nhóm các đại gia công nghệ, Fujitsu đã gây sốc các nhà đầu tư khi dự báo lợi nhuận có thể sụt giảm 16% trong năm tài chính 2015-2016. Công ty này cho biết sự sụt giảm của đồng EUR so với đồng USD có thể sẽ làm công ty mất 20 tỷ yen lợi nhuận. Tập đoàn Sony cũng sẽ phải chịu cảnh tương tự do đồng yen yếu và sự trượt giá của đồng EUR so với đồng USD. Theo tính toán, mỗi một đồng yen giảm so với đồng USD lấy đi 7 tỷ yen lợi nhuận của tập đoàn. Dự báo Sony sẽ mất khoảng 150 tỷ yen trong năm tài chính này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng những nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất sẽ cho phép hầu hết các công ty Nhật Bản bù đắp những tác động tiêu cực của tiền tệ. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư được khuyến khích bởi các thông báo tích cực về buyback (mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành) và gia tăng tỷ lệ chi trả cổ tức của các tập đoàn như Toyota, Mitsubishi… sẽ giúp giá cổ phiếu của những tập đoàn lớn không bị sụt giảm mạnh.
Một điều nữa có thể giúp nâng cao triển vọng tăng trưởng của các công ty Nhật Bản đó chính là chiến dịch nâng cao quản trị doanh nghiệp của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo đó, các công ty của Nhật Bản được yêu cầu tăng mức lợi tức cho các cổ đông và sử dụng vốn có hiệu quả hơn, dẫn đến kỳ vọng về nhiều vụ mua lại, sáp nhập ở nước ngoài do các công ty Nhật Bản thực hiện, qua đó giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tăng trưởng.