Doanh nghiệp ở TP.HCM thận trọng tái sản xuất

(ĐTTCO) - Việc TPHCM lên kế hoạch mở cửa lại kinh tế là động thái để doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị các phương án tái sản xuất. Tuy nhiên, kế hoạch tái sản xuất của các doanh nghiệp cũng rất thận trọng nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Doanh nghiệp ở TP.HCM thận trọng tái sản xuất

Doanh nghiệp tuyển thêm lao động

Công ty TNHH Lập Phúc ở Quận 7 chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu. Thực hiện quy định “3 tại chỗ” của thành phố để phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua 130 lao động của công ty đều làm việc, ăn, ngủ tại chỗ. Khi thực hiện quy định này, lao động của doanh nghiệp đã giảm 50 người nên phải tăng ca để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết: Khi TPHCM đang dần mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã lên phương án tuyển thêm lao động; chuẩn bị sẵn một dãy nhà xưởng riêng biệt với những nhà xưởng đang hoạt động cho lao động mới. Khu này tách riêng để công ty chủ động kiểm soát dịch bệnh. Hiện hơn 90% lao động làm việc “3 tại chỗ”  của công ty đã tiêm vaccine mũi 2  được hơn 2 tuần.

“Hiện nay đơn hàng đang tăng nhanh nên công ty có chủ trương tuyển thêm lao động. Tuyển thêm công nhân công ty làm 1 phân xưởng độc lập cách ly với số công nhân cũ. Sau 3 tuần, số lao động mới này an toàn, không phát sinh ca dịch bệnh thì công ty sẽ cho hòa nhập chung với lao động trong công ty. Việc này vừa đảm bảo giữ vững an toàn cho sản xuất và tạo cho anh, em tâm lý thoải mái  tâm lý” - ông Nguyễn Văn Trí nói.

Còn Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu Công nghệ Cao TPHCM khi thực hiện “3 tại chỗ” số lao động giảm khoảng 40%, trong khi đơn hàng xuất khẩu vẫn ổn định, vì thế trước ngày 23/8, công ty phải tuyển bổ sung lao động để bổ sung cho số lao động thiếu hụt nghiêm trọng trước đó. Công ty đã lên phương án trình Ban quản lý khu Công nghệ cao thành phố, sắp tới cho 1 nhóm người lao động đã tiêm vaccine 2 mũi hơn 2 tuần được đi, về nơi ở, vì một số người thực hiện “3 tại chỗ” lâu quá bị ảnh hưởng  tâm lý.

Ông Đặng Văn Chung -Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cho biết: Hiện nay, công ty đang nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh để khi mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động việc phòng chống dịch bệnh tiếp tục đảm bảo tốt.  Với những lao động được cho đi về nhà,  công ty sẽ tăng cường kiểm soát, yêu cầu  ký cam kết trong việc phòng chống dịch bệnh, nhất là tại nhà và chỉ đi 1 điểm đến và 1 điểm về.

“Công ty trang bị test nhanh cho gia đình của nhân viên, họ tự test ở nhà  để đảm bảo nhân viên mình khi đi làm về nhà an toàn hơn. Nhân viên vào công ty thì cũng test nhanh định kỳ. Trong thời gian tới thì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao nên công ty cũng nâng cao năng lực chăm sóc y tế  cho nhân viên của mình để phòng chống dịch bệnh bằng cách trang bị thêm các thiết bị y tế, điều kiện vật chất phòng chống dịch bệnh tại công ty” - ông Đặng Văn Chung nói.

Tiêm hai mũi vaccine cho lực lượng công nhân

Thực hiện  “3 tại chỗ”,  Khu Công nghê cao TPHCM chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp sản xuất trong tổng số khoảng 1.500 doanh nghiệp ở đây. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chuẩn bị tái khởi động sản xuất và tuyển lao động sau thời gian tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp ở khu công nghiệp TPHCM cho biết: Đối với doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất muốn tái sản xuất phải có nguồn nhân lực. Bởi vậy, thành phố cần đẩy mạnh tiêm vaccine cho nguồn lao động, nhất là tiêm mũi 2. Để phủ vaccine cho lực lượng tham gia sản xuất, ngành chức năng cần huy động thêm nguồn lực và tổ chức các điểm tiêm linh hoạt, nhất là các khu vực giáp ranh với tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương… nơi có giá nhà trọ thấp.

“Lực lượng lao động đó, các doanh nghiệp, các khu nên đề xuất với thành phố cho sử dụng đội ngũ y tế ngoài công lập doanh nghiệp tự tổ chức tiêm và TP.HCM phối hợp với các tỉnh giáp ranh cho mượn điểm tiêm  nơi giáp ranh để người lao động đến đó tiêm rồi về” - ông Nguyễn Văn Bé đề nghị.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 mở rộng và tái sản xuất, trước mắt, TPHCM sẽ làm việc với các ngân hàng để có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ... cho doanh nghiệp. Ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, TP.HCM có 11 kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó có những chính sách liên quan đến thuế,  vay vốn…

Ông Lê Hoà Bình – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Thành phố xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn cho các ngành, lĩnh vực. Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước ngày 16/9, sau đó triển khai thí điểm tại Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ; mở rộng thêm tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) và Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức).

“Về bộ tiêu chí an toàn để cho các doanh nghiệp an toàn hoạt động trở lại, lần này chúng tôi sẽ có hệ thống đánh giá và đưa bộ chí  và để doanh nghiệp tự đánh giá, tự tích hợp vào phần mềm của mình. Còn cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra, giám sát theo xác xuất, chứ chúng ta phải yêu cầu cơ quan nhà nước xác nhận của chính quyền địa phương thì mới làm  được, đây là 1 trong những chính sách mà thành phố tính toán” - ông Lê Hòa Bình nói.

TPHCM xác định phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên kiểm soát dịch bệnh tới đâu thì dần mở cửa kinh tế tới đó. Những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ và chắc chắn. Doanh nghiệp sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh . Qua việc thí điểm này, thành phố sẽ rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

Các tin khác