Tự động hóa
Tại sự kiện Open Talks 1 với chủ đề "Cơn bão cấp mấy", do Hiệp hội doanh nghiệp trẻ TPHCM (YBA), IBP và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cùng S-world tổ chức trên nền tảng online mới đây, hơn 700 chủ doanh nghiệp đã cùng tham gia thảo luận về cơn bão covid -19 và những thách thức phải đối mặt khi mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group, nhận định khi nền kinh tế mở cửa trở lại, việc tuyển lao động sẽ rất khó. Bởi lao động đã về quê sẽ không thể quay trở lại nhà máy 100%. Nếu các nhà máy tiếp tục làm theo cách cũ thì sẽ thiếu lao động hoặc đẩy chi phí lao động lên cao hơn trước đây.
Vậy các doanh nghiệp nên làm như thế nào.
"Doanh nghiệp nên đẩy mạnh đầu tư để tự động hoá. Ngay tại các nhà máy của chúng tôi, công đoạn nào có thể thay bằng máy móc thì đều đang có sự tính toán, chuẩn bị để đưa robot vào, chi phí cũng không quá cao", ông Tín nhấn mạnh.
Thực ra lâu nay chuyện đầu tư công nghệ, tự động hoá không phải các doanh nghiệp không nhìn ra, nhưng có một vài yếu tố khiến việc này chưa được đẩy nhanh. Cụ thể, chi phí lao động còn tương đối thấp và chi phí vốn lại khá cao. Nhưng lần dịch này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn.
Khối doanh nghiệp tư nhân sẽ khỏe nhanh hơn
Một câu hỏi nữa khi mở cửa trở lại nền kinh tế, đó là khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây, có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Trong đó, 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hầu hết các doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, trong đó khối tư nhân có đến 90% bị ảnh hưởng, song khối tư nhân cũng được cho rằng sẽ hồi phục nhanh hơn.
Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh. Đối với doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ; giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…
Bàn về vấn đề này, ông ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư - Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital, nhìn nhận: "Chúng ta không phủ nhận sự thật rằng đã có một cú sốc kinh tế lớn. Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh là rất bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương, trong đó tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng âm".
Cũng theo ông Tuấn, cơn bão quét qua sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp cố trụ lại và tồn tại được qua cơn bão sẽ là những cá thể tinh nhuệ và phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Sức khỏe doanh nghiệp, trình độ tài chính và quản lý, “độ sâu” doanh nghiệp đã hoàn toàn khác giai đoạn 15 năm trước, nên sức bền của họ đã cũng khác xưa.
Đồng ý với nhận định này, nhiều doanh nghiệp cho biết, so với khối doanh nghiệp nhà nước thì khối tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn, vì họ tự quản nguồn tiền, có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ dịch. Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện cũng cho rằng dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế phải cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa, và các chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.
Sau Open Talks 1 thì Vietnam CEO Forum | Open Talks sẽ tiếp tục có những buổi thảo luận tiếp theo về những vấn đề mang tính thực tế đưa tới hành động. Hai tuần tới sẽ diễn ra Open Talks 2 với nội dung: “Đâu là trận cuối?”, và kết lại với Open Talks 3 “Mặt trời ló dạng ở đâu?”.