TPHCM - thị trường lớn đối với Singapore
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Singapore, sáng 28-8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TPHCM và doanh nghiệp Singapore, thu hút đông đảo doanh nghiệp Singapore tham dự.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Singapore giới thiệu tóm tắt về hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, chế tạo; thực phẩm, bán lẻ; quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; tài chính; giáo dục, nhất là giáo dục nghề… Đồng thời, các doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn được đầu tư vào TPHCM.
Một doanh nghiệp còn thông tin thêm, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất đồ gỗ, đồ nội thất tại Việt Nam từ năm 1974. Quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận thấy Việt Nam và TPHCM có sự phát triển mạnh mẽ nên sẽ cân nhắc về khả năng mở rộng đầu tư tại TPHCM. Tương tự, một doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào lĩnh vực quy hoạch đô thị tại TPHCM.
Các doanh nghiệp Singapore còn nêu nhiều thắc mắc cụ thể, như chính sách cho phép doanh nghiệp Singapore mở cửa hàng miễn thuế tại các trung tâm thương mại; về chính sách của TPHCM đối với tình trạng cung - cầu bất động sản. Đặc biệt, doanh nghiệp Singapore bày tỏ nhiều quan tâm đến sự công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các sở - ngành liên quan của TPHCM đã giải đáp cụ thể từng thắc mắc của các doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến những nỗ lực tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết TPHCM đã thành lập một tổ công tác (do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng) để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp phép cho các dự án đầu tư. Cùng với đó, là việc công bố bộ thủ tục đối với từng loại hình đầu tư, xác định thời gian giải quyết hồ sơ tại từng cơ quan liên quan để việc giải quyết hồ sơ đảm bảo theo đúng thời hạn quy định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng cho biết, TPHCM được xem là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Trong khi đó, điều kiện không gian của Singapore khá chật hẹp so với tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tin rằng, việc doanh nghiệp Singapore đầu tư, hỗ trợ các thành phố, đất nước khác phát triển, từ đó góp phần tạo điều kiện phát triển của Singapore.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế thúc đẩy sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, đặc biệt tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Singapore tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn lâu dài và hiệu quả tại TPHCM.
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng nhận được các câu hỏi từ các doanh nghiệp Singapore và mong muốn, thông qua các giải đáp sẽ góp phần làm củng cố thêm niềm tin, quyết định đầu tư vào TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cam kết về sự ổn định chính trị để các nhà đầu tư Singapore cũng như các nước khác đến đầu tư tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giới thiệu thêm một số định hướng phát triển của TPHCM trong thời gian tới, nhất là xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, Bí thư Thành ủy TPHCM mong muốn doanh nghiệp Singapore tiếp tục tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa vào TPHCM.
“TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, tăng cường thực hiện cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt doanh nghiệp Singapore hoạt động tại TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cam kết. |
Quan tâm các dự án hạ tầng giao thông
Trong chuỗi các sự kiện gặp gỡ, kêu gọi doanh nghiệp Singapore đầu tư vào TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cùng lãnh đạo nhiều sở - ngành TPHCM, đã có một số buổi tiếp riêng các doanh nghiệp.
Tại buổi tiếp, ông Teo Eng Cheo, Giám đốc toàn cầu Công ty Surbana Jurong (Singapore) giới thiệu Công ty Surbana Jurong chuyên về quy hoạch, thực hiện các dự án thiết kế đô thị. Tại Singapore, doanh nghiệp đang thiết kế đầu tư nhà ga số 5 của sân bay Changi; thiết kế nhiều dự án tàu điện ngầm.
Công ty cũng đang thực hiện một số dự án tại Long Thành (Đồng Nai) và Khu công nghệ cao (TPHCM).
Bày tỏ vui mừng gặp mặt đoàn cán bộ cấp cao TPHCM, ông Teo Eng Cheo đề nghị được chia sẻ thông tin về các dự án tàu điện ngầm số 1, số 2, dự án cầu kết nối từ Cát Lái (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng như dự án đường sắt từ Long Thành (Đồng Nai) về TPHCM.
Ông Teo Eng Cheo nêu thắc mắc về hình thức đầu tư đối với các dự án này, là thực hiện theo hình thức PPP hay đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Trao đổi lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), gồm vốn vay ODA từ nhiều nguồn như Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, TPHCM đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đang giải phóng mặt bằng cho dự án (dự kiến hoàn tất vào tháng 6-2020).
Riêng dự án tuyến metro số 1, TPHCM đang đầu tư xây dựng. Ngoài 2 dự án đã nêu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM còn đang nghiên cứu triển khai 6 tuyến khác. Các dự án tàu điện ngầm này sử dụng nguồn vốn ODA hoặc thực hiện theo hình thức PPP, chứ ngân sách Nhà nước không đủ điều kiện thực hiện.
Tương tự, dự án cầu Cát Lái sẽ kết nối hai đô thị lớn của hai tỉnh - thành, là khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) và thành phố mới của tỉnh Đồng Nai (Nhơn Trạch). Dự án này cũng được thực hiện theo hình thức PPP.
“TPHCM rất hoan nghênh việc Công ty Surbana Justrong tìm hiểu, tham gia đấu thầu các dự án này”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định.
Liên quan đến đường sắt kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) về TPHCM, lãnh đạo UBND TPHCM thông tin, dự án này đang được một nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, sẽ thực hiện theo hình thức PPP. Hiện nay, nhà đầu tư chưa báo cáo kết quả nghiên cứu. Dù vậy, Công ty Surbana Justrong vẫn có thể nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nếu thật sự quan tâm đến dự án này.
Thông tin thêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GTVT. Dù vậy, TPHCM cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Singapore tham gia thực hiện nghiên cứu.
Sau đó, đoàn có buổi làm việc với Grab Holdings Inc. (Grab) và Tập đoàn Sovico (Việt Nam). Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao TPHCM cũng chứng kiến hai doanh nghiệp này ký kết hợp tác thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo thỏa thuận, hai tập đoàn này sẽ hợp tác trên các lĩnh vực giải pháp công nghệ di động và logistics, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao nhận hàng hóa từ điểm đầu tới điểm cuối của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ thêm với báo chí về việc đầu tư tại Việt Nam, ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.
Bổ sung thêm, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, thông tin Grab là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD.
Qua các hoạt động của mình, Grab mong muốn được mở rộng hợp tác với các đơn vị thuộc khu vực công và tư nhân cùng chia sẻ tầm nhìn chung công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good), hướng đến cùng nhau tận dụng công nghệ nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức trong cuộc sống hàng ngày.