Doanh nghiệp than cải cách môi trường kinh doanh nhiều nơi ‘làm cho có’

(ĐTTCO) -  Trong hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ của một số bộ ngành, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn còn hình thức, là “làm cho có” và còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp mà chưa được xử lý.
Doanh nghiệp than cải cách môi trường kinh doanh nhiều nơi ‘làm cho có’
Ngày 29-3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021.  
Qua 4 năm triển khai (bắt đầu từ năm 2018), báo cáo đã điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm và phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành, đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh. Hai chủ đề của báo cáo năm nay là chất lượng của thông tư, công văn và không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Nhiều chương trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong những đề xuất cắt giảm của một số bộ ngành, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có,” vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.
Doanh nghiệp than cải cách môi trường kinh doanh nhiều nơi ‘làm cho có’ ảnh 1 Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong cải cách môi trường kinh doanh hiện nay, xuất hiện tình trạng niều nơi vẫn đang ‘làm cho có’, chỉ mang tính hình thức.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI thì cho rằng hiện nay đang có một nghịch lý là các cơ quan nhà nước đang lập phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả.
Ông Tuấn dẫn chứng, trong năm 2021, cơ quan nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định. Theo ông Tuấn, đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.
“Theo khảo sát của VCCI thì hiện tại chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị.  Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Chi phí này chưa phản ánh đầy đủ thực tế xã hội phải bỏ ra, chưa tính các chi phí về đường truyền, nhân sự xử lý thông tin; các chi phí cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện quản lý”, ông Tuấn nói.
Trong báo cáo công bố của VCCI cũng cho thấy, trong hoạt động xây dựng chính sách năm 2021, xuất hiện lo ngại là dường như đang có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Điều này thậm chí diễn ra ở một số ngành, nghề vốn từng được đánh giá cao về thành tích cải cách điều kiện kinh doanh. Hiện đang có những đề xuất áp dụng trở lại các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp vốn đã được xóa bỏ hay thay đổi trước đây. Theo phản ánh từ doanh nghiệp, một số chính sách vẫn đang tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. 
Điều này đang là nghịch lý vì trong khi Chính phủ đang có nhiều chương trình cải cách thể chế mạnh mẽ, mong muốn nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam lên nhóm đầu khu vực thì đâu đó vẫn đang có tình trạng văn bản được ban hành tạo ra rào cản, là gánh nặng mới cho doanh nghiệp. Câu hỏi về tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh cần được đặt ra. Do vậy, đảm bảo tính đồng bộ, tính bền vững đang là thách thức lớn cho hoạt động xây dựng chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn tới.

Các tin khác