Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước, gây nguy cơ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Điều này đe dọa đến nhiều ngành sản xuất, trong đó ngành sản xuất thép và mặt hàng thép là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, trên thế giới có hơn 1.500 các vụ việc phòng vệ thương mại trong đó ngành thép chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ việc.
Nhận định về thực trạng này, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 24 trên thế giới vào năm 2015, năm 2016 đứng thứ 19, năm 2017 đứng thứ 18 (sản xuất được 11,5 triệu tấn). Về thị phần sản xuất thép thô, Trung Quốc là nước sản xuất gần 50% lượng thép thô toàn cầu.
Theo ông Khải, Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghiệp vật liệu phát triển, trong đó có vật liệu kim loại. Chỉ số thép trên mỗi người ở Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình của thế giới (240kg/người), Thái lan là 285 kg/người, Malaysia là 325kg/người, Singapore 506 kg/người, do vậy ngành thép sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
“Ngành thép Việt Nam cũng như đa số các nước khác đang phải đối mặt với Điều luật 232 của Mỹ với mức thuế 25% cho sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Mặc dù Việt Nam chỉ xuất khẩu thép xây dựng dân dụng và chỉ chiếm 1,6% trong tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ và không thể ảnh hướng tới an ninh nước Mỹ. Điều này đặt các doanh nghiệp thép Việt Nam trước những khó khăn trong việc tìm giải pháp đối mặt với các vụ kiện, giữ vững thị trường xuất khẩu”, ông Khải cho biết.
Trước tình hình này, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại khi tham gia vào các vụ kiện, ông Khải lưu ý các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Còn theo Cục Phòng vệ thương mại, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài, vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất. Doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề, thống nhất câu trả lời trong các vụ việc điều tra.