Doanh nghiệp thủy sản khát vốn

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản năm 2011 vẫn cán đích với kim ngạch 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010; góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tạo được nhiều việc làm, ổn định an sinh xã hội. Từ thành công trên, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đạt từ 6,3-6,5 tỷ USD trong năm 2012.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản năm 2011 vẫn cán đích với kim ngạch 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010; góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tạo được nhiều việc làm, ổn định an sinh xã hội. Từ thành công trên, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đạt từ 6,3-6,5 tỷ USD trong năm 2012.

Tăng trưởng trong thách thức

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 vượt kế hoạch nhờ các mặt hàng chiến lược như tôm, cá tra… được giá cao, nhất là thời điểm đầu năm. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ tăng, thị trường tốt nên các doanh nghệp đã chủ động tăng tốc đạt kết quả khả quan.

Tôm sú và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chính đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị. Xuất khẩu tôm lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2010 và tiếp tục phát triển trong năm 2011 với giá trị đạt 2,4 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra năm 2011 cũng tăng trưởng ấn tượng với 26,5%, thu về khoảng 1,8 tỷ USD.

Hiện các DN đã đưa sản phẩm cá tra chất lượng cao cung ứng tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Năm 2011 xuất khẩu mực, bạch tuộc cả nước đạt trên 520 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2010.

Thị trường xuất khẩu mặt hàng này tăng lên 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Riêng xuất khẩu cá ngừ cũng tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2010, đặc biệt các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Canada tăng trưởng mạnh từ 50-100%.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho rằng trong điều kiện kinh tế thế giới nhiều bất ổn nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt ngưỡng 6,1 tỷ USD là điều đáng mừng. Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan).

Song, ông Hải cho rằng xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó vấn đề quan trọng là nhiều DN thủy sản gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, các ngân hàng siết chặt tín dụng, nguồn nguyên liệu thiếu hụt… khiến việc sản xuất và xuất khẩu bị động. Mặt khác, dịch bệnh tôm bùng phát trên diện rộng khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ trong năm qua.

Giải quyết vấn đề vốn để tăng tốc

Trên cơ sở kết quả khả quan trong năm 2011, Bộ NN-PTNT đề ra chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt từ 6,3-6,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu cá tra khoảng 2 tỷ USD, tôm trên 2,5 tỷ USD. Bộ lưu ý các địa phương, DN cần tính toán chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, cố gắng đạt giá trị xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD theo mục tiêu của Chính phủ, giữ vững vị trí quốc gia xuất khẩu thủy sản thuộc tốp đầu thế giới.

Ông Trần Thiện Hải nhận định, tiềm năng phát triển thủy sản nước ta còn rất lớn cả về nuôi trồng lẫn chế biến, xuất khẩu. Trong đó lợi thế cơ bản là thời gian qua nhiều DN lớn về sản xuất cá tra, tôm xuất khẩu không ngừng đầu tư xây dựng những nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến; không ngừng đầu tư nâng cao kỹ thuật và tay nghề cho lực lượng lao động để chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường  khó tính.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ngày càng trầm trọng, khiến các nhà máy hoạt động không hết công suất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống thủy lợi bất cập, thiếu đầu tư khiến việc nuôi thủy sản dễ gặp rủi ro.

Chất lượng con giống cũng là mối lo cần nhanh chóng cải thiện trong thời gian tới. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển thủy sản, chưa theo kịp nhu cầu của DN xuất khẩu và người nuôi.

Các DN cá tra đang khát vốn để chế biến xuất khẩu.

Các DN cá tra đang khát vốn để chế biến xuất khẩu.

Đồng suy nghĩ trên, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco), nhận định: “Cá tra là sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Thời gian qua dù kinh tế thế giới suy giảm nhưng sức tiêu thụ vẫn ổn định, kim ngạch xuất khẩu cá tra liên tục tăng cao.

Nhiều DN duy trì hoạt động đều đặn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và hàng ngàn hộ nuôi cá ở ĐBSCL. Để xuất khẩu cá tra tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế số 1 thế giới, DN đang rất cần các ngân hàng quan tâm hỗ trợ về vốn, bởi tình trạng siết chặt vốn khiến DN gặp rất nhiều khó khăn”.

Bà Diệu Hiền cho biết thêm, hiện Bianfishco nhận đơn đặt hàng trên 400 container cá tra phi-lê từ các nước trên thế giới. Trong khi giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao, công ty rất cần nguồn vốn để mua cá nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Không chỉ riêng Bianfishco, hiện các DN xuất khẩu cá tra ở các tỉnh ĐBSCL cũng gặp khó khăn khi nhiều ngân hàng siết chặt tín dụng khiến không ít hợp đồng xuất khẩu không thực hiện được. Theo lãnh đạo CTCP Gò Đàng, trong nhiều cái khó đối với DN và người nuôi thủy sản hiện nay, tìm vốn cho sản xuất là vấn đề bức xúc nhất.

Đa số hợp đồng xuất khẩu giữa DN Việt Nam với đối tác quốc tế phải mất từ 60 ngày trở lên mới thanh toán, trong khi DN rất cần tiền mặt để mua cá nguyên liệu. Trong khi đó, người nuôi cũng khát vốn do giá thức ăn và các chi phí đầu vào đều tăng cao. 

 Bộ NN-PTNT cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho nghề cá, từ qui hoạch vùng nuôi, cải tạo chất lượng con giống, hạn chế nuôi nhỏ lẻ để tiến tới nuôi tập trung quy mô lớn, có kiểm soát đầu vào - đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, từng bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra vào nề nếp.

Đối với vấn đề vốn, Bộ NN-PTNT đề xuất các ngân hàng nên ưu tiên cho những DN xuất khẩu cá tra hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm được hưởng ưu đãi nhằm khuyến khích DN đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu, ổn định việc làm cho công nhân.

Nếu đầu tư đồng bộ, xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản nói chung sẽ tiếp tục tăng tốc, xứng tầm là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước.

Các DN xuất khẩu và ngành nông nghiệp cùng kiến nghị: sản phẩm cá tra là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, hàng năm thu về nguồn ngoại tệ lớn, tạo việc làm cho rất nhiều lao động như công nhân ở nhà máy, người nuôi cá và những dịch vụ kèm theo…

Đây cũng là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và xuất khẩu cần ưu đãi đầu tư vốn. Để nghề cá tiếp tục phát triển, các DN vượt qua giai đoạn khó khăn và đi lên, các ngân hàng cần tích cực trợ lực cho nghề cá.

Các tin khác