Doanh nghiệp tư nhân đang “chông chênh”

(ĐTTCO) - Hàng loạt rào cản, khó khăn và thách thức đang bủa vây các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của DN, cũng như nền kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, thiếu vốn đang là thách thức chung và lớn nhất mà hầu hết DN đang phải đối mặt.

Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu vốn trầm trọng để thu mua nguyên liệu.
Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu vốn trầm trọng để thu mua nguyên liệu.
Khát vốn trầm trọng
Hiện khó khăn về dòng tiền đối với DN nói chung và DNTN nói riêng, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Việc này đặt các DN vào tình thế hết sức cấp bách, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế.
Thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn khiến DNTN gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023, cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Cụ thể, do thiếu vốn, DN ngành thép đối diện với khủng hoảng lớn khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. DN các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện không được ngân hàng (NH) giải ngân do áp lực về room tín dụng, nên không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. DN nông nghiệp thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Đặc biệt, DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất không thể thanh toán do chủ đầu tư không có dòng tiền, không vay được NH để trả cho DN cung ứng vật liệu, các công trình trì trệ…
Sau hơn 2 năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống lâu nay của DNTN về nền tảng quản trị, công nghệ…, khiến phần lớn DN đối diện với tình thế chông chênh để duy trì hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các NH trong nước, nên đang có nhiều lợi thế. 
Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục Thống kê, cho thấy xuất khẩu của các DN trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi DN FDI vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa 2 thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của DN và nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.
Đối với thách thức về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi DN, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các DN bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình DN khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp DN thu hút các nhà đầu tư trong ngắn hạn, để giải quyết các bài toán cấp bách. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của DN thêm trầm trọng. Nhiều DN lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn. 
Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của DN có nguy cơ bị bán tháo; thậm chí có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như DN Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất thuộc các lĩnh vực khác). 
Khó khăn “cộng hưởng”
Thách thức về vốn không chỉ là rào cản đối với DN, nhất là DNTN, còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.
Thiếu vốn, trong khi giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào biến động (xu hướng tăng cao) đang tạo sức ép đè nặng lên các DN. Theo thống kê mới nhất, 9 tháng năm 2022 chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, chỉ số nhập khẩu cũng tăng rất cao 10,7% so với cùng kỳ 2021, trong đó nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chiếm 90%. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu đã khiến DN gặp trở ngại rất lớn đến từ giá nguyên liệu sản xuất. 
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có đến 78,8% số DN ghi nhận mức tăng lên đối với chi phí nguyên vật liệu, trong đó có đến 19,7% DN báo cáo khoản chi này đã tăng lên đáng kể. Gần 50% DN dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí, có đến 38% DN cho rằng còn kéo dài sau năm 2023.
Trước đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 từng được dự báo sẽ cải thiện khi bước sang quý II-2022. Tuy nhiên, các bất ổn chính trị thế giới mới nảy sinh cũng như chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, đã khiến những lo ngại về rủi ro chuỗi cung ứng lớn hơn, có thể kéo dài sang năm 2023 và cả sau đó.
Bên cạnh những lo ngại về chính trị, sự bất ổn về tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới cộng đồng DN Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Đa số DN cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá gia tăng, gần 60% DN đang đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.
Cùng với những thách thức về tỷ giá, lãi suất, lạm phát làm sức mua tại các nền kinh tế lớn giảm mạnh, đã kéo theo sự sụt giảm số lượng đơn hàng của DN xuất khẩu. Các yếu tố thiên tai, dịch bệnh tuy không còn là khó khăn hàng đầu như cách đây 1 năm, nhưng vẫn ảnh hưởng tới hoạt động của 64,1% DN.
Đánh giá về thực trạng khó khăn DN đang phải đối mặt, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết: “Đây là những khó khăn rất lớn với DN trong năm 2023. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, phương hướng cụ thể mới có thể vượt qua những khó khăn đó và tận dụng cơ hội, thời cơ khó khăn mang lại”.
Cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Chính phủ cần có nghị quyết riêng về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ từ nay đến 2025, để có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Các tin khác