Buôn bán với 3 nước và ảnh hưởng của cuộc chiến
Quan hệ thương mại của Việt Nam với 3 nước nói trên được xem là các thị trường truyền thống sau khi Liên Xô sụp đổ. Song vì nhiều lý do, buôn bán với 3 đối tác này vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống giữa các bên.
Năm 2021, kim ngạch buôn bán 2 chiều Việt - Nga đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam, trong đó Việt Nam xuất siêu 867 triệu USD. Cũng năm 2021, kim ngạch 2 chiều Việt Nam - Ukraine 749,3 triệu USD, không đáng tính tỷ trọng và cán cân thương mại. Với Belarus, Việt Nam XK quá nhỏ không vào thống kê, ngược lại Belaruts XK sang Việt Nam chỉ 121,8 triệu USD. Thương nhân từ 3 nước này có người bản xứ song không ít là người Việt định cư.
Nga và Belarus là 2 trong 5 thành viên thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) từ năm 2015, có hiệu lực từ tháng 10-2016. Trong EAEU, quan hệ thương mại của Nga - Việt Nam áp đảo tới 94%. Hàng XK từ Việt Nam đa dạng, có loại là hàng XK chủ lực, song số lượng không bao nhiêu so với toàn bộ mặt hàng đó.
XK cá tra của Việt Nam vào Nga năm 2021 là 32,5 triệu USD, chiếm 2% tổng kim ngạch XK cá tra, kém xa XK vào Trung Quốc, Mỹ và khối CPTPP. Đầu năm 2022, XK cá tra sang thị Nga gặp sự cố và ẩn chứa nhiều bất ổn, chỉ có 5 DN cá tra Việt Nam XK sang thị trường này. Nga và Ukraine nằm trong số 20 khách hàng mua cá ngừ đông lạnh của Việt Nam, song không đáng kể, Nga chỉ chiếm khoảng 2% kim ngạch XK mặt hàng này, còn Ukraine 1%.
Cao su tự nhiên Việt Nam có vị thế XK với các thị trường này thời bao cấp theo kiểu hàng đổi hàng. Sau này, khi các nước này mở rộng thị trường cao su sang các nước Đông Nam Á khác, cao su Việt Nam mất vị thế. Một thời Việt Nam XK thịt lợn tảng sang Nga, song khi bùng phát dịch tả châu Phi, phải mua ngược thịt lợn cấp đông từ Nga. Nay do cuộc chiến nhu cầu các thị trường thay đổi hoặc sụt giảm. Một số DN dệt may, thực phẩm, hàng tiêu dùng... lo bị hủy đơn hàng vì dân Nga có thể phải cắt giảm tiêu dùng.
Việc NK từ 3 nước tuy không lớn, song lại có những mặt hàng “đinh”, có tính chiến lược với Việt Nam. Hiện Việt Nam NK từ Nga, Ukraine, Belarus các nhóm hàng chính như ngũ cốc, năng lượng, vật tư kỹ thuật nông nghiệp, thiết bị toàn bộ, máy móc chuyên dùng và dụng cụ, linh kiện, nguyên liệu công nghiệp….
Trong đó có những thứ tuy khối lượng không nhiều, kim ngạch không lớn nhưng khó thay thế. Để trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã ra lệnh cấm XK xăng dầu, khí đốt, ngũ cốc, kim loại, nguyên liệu thô… Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến NK của Việt Nam chỉ là phần nhỏ, nhưng sẽ làm giảm nguồn cung trên toàn cầu, góp gió cho cơn bão tăng giá đang quần đảo thế giới. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam không ngoài vòng cương tỏa.
Đồng rúp mất giá khiến một số nhà NK của Nga đề nghị dừng thanh toán 2-3 tuần để nghe ngóng. Việc thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga cũng sẽ gặp khó, sau khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng của Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga. Một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đã ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng.
Đã có DN Việt “dính” đòn, hàng hóa đã xuất nhưng chưa được trả tiền. Một số lô nguyên phụ liệu NK đến thời hạn hàng về có thể bị vạ lây… Một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Việc cấm vận hàng không cũng khiến các hãng phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Phản ứng thế nào?
Tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine đã rõ, song cũng lóe lên hy vọng có thể phát sinh tâm lý tích trữ lương thực, nên giá các mặt hàng nông sản nhất là gạo có thể tăng đột biến, lại là cơ hội XK những mặt hàng thế mạnh của nước ta. Nga có thể hướng về châu Á, và Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của Nga... Song đã từng thấy, việc tận dụng những cơ hội ở ta luôn là chuyện “đuổi hình bắt bóng”.
Động thái được xem là nhạy bén với tình hình mới, là ngày 9-3, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xung đột Nga - Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam”, nhằm giải đáp những vấn đề đặt ra cùng hiến kế tháo gỡ. Một số cuộc mạn đàm khác của giới khoa học với các nhà sản xuất đã được tiến hành với mục đích tương tự.
Nhân thời cuộc này, các ngành sản xuất, nhất là nông nghiệp cần nghiên cứu ứng phó với tình hình này theo cách chuyển dịch cơ cấu, thay đổi phương thức canh tác từ vô cơ sang hữu cơ, chuyển hướng thị trường, linh hoạt phương thức và đồng tiền thanh toán, cơ động logistics. Đây là dịp để các nhà kinh tế tư vấn cho các hiệp hội ngành hàng, DN vượt qua sóng gió.
Các DN đang XK sang Nga, Ukraine, Belarus cần chủ động làm việc với các đối tác NK về thanh toán, tiến độ giao hàng. Ngoài ra, DN cần tận dụng ưu đãi trong các FTA, đa dạng hóa thị trường. DN gặp trục trặc khi buôn bán liên hệ với đại diện cơ quan thương mại của Việt Nam tại 3 nước nói trên để được hỗ trợ. Từng DN rà soát hợp đồng, chuẩn bị hồ sơ pháp lý để hạn chế chịu rủi ro khi phải tranh chấp. Việc cần làm ngay là thành lập Tổ công tác đặc biệt tầm quốc gia với nhiệm vụ nhận định, chủ động ứng phó tác động từ xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam.