Đại dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào cuộc khủng hoảng. Sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng và thiếu thị trường càng khiến các DN phải cạnh tranh gay gắt. Việc đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các DN sẽ là giải pháp phát triển bền vững cho các DN và ngành hàng tại Việt Nam, từ đó phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của DN cũng như giúp DN hoạch định được những chiến lược sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.
Thương mại điện tử lên ngôi
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc tìm ra một xu hướng tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo ra địa chỉ số cho DN, từ đó tạo ra góc nhìn tổng thể về bức tranh thị trường Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên, thể hiện tính hợp hiến hợp pháp cũng như nhất quán trong hoạt động đầu tư, đảm bảo an ninh mạng và phù hợp với thực tiễn. Thương mại điện tử sẽ là một cơ hội lớn cho các DN để tạo ra những vận hội mới trong đổi mới hoạt động kinh doanh. Trong thời điểm hậu Covid-19, các DN cần phải suy nghĩ đến phương thức mới là thương mại điện tử nếu như muốn tiếp tục duy trì và phát triển.
“Các DN sẽ cần phải sắp xếp đổi mới phương thức thương mại điện tử theo thứ tự ưu tiên, khâu nào nên lựa chọn để phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của DN mình. Tuy nhiên, để ứng dụng thương mại điện tử khi DN khi đang ở bên cạnh những con hổ lớn sẽ là một thách thức rất lớn”, bà Huyền nhìn nhận.
Cũng theo bà Huyền, thời điểm này các DN cần phải tập trung vào thị trường, kể cả những thị trường trước đây các DN ít quan tâm. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã có những chương trình hỗ trợ DN rất lớn, đó là chương trình hỗ trợ sản xuất và bán hàng trên môi trường trực tuyến. Bộ Công Thương xác định các chương trình này sẽ hỗ trợ DN tham gia theo quy trình trọn gói, làm căn cứ cho các DN phát triển. Đây là một chương trình đang được triển khai có tác động và tác động tích cực đến DN.
Nói về chiến lược thương hiệu cho DN trong bối cảnh thị trường thay đổi, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh thị trường thay đổi rất nhanh nên các DN cần phải huy động sức mạnh tập thể rất lớn.
Tuy nhiên, điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay đa phần họ là những DN vừa và nhỏ. Các DN lớn đã có thương hiệu khá tốt và chiến lược kinh doanh khá bài bản biệt, nhưng họ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư duy của DN của các nước phát triển cũng như đường hướng của các DN đã thành công.
Doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí
Theo ông Trường, một quốc gia muốn có được các DN phát triển tốt và có thương hiệu tốt thì bản thân quốc gia đó cũng phải có tầm nhìn xa đủ dài và rộng. Với khoảng 500.000 DN hiện nay nhưng có đến 90% là các DN vừa và nhỏ nên họ không quan tâm đến những điều thiếu thực chất, bởi họ phải đối diện với vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày nên không muốn nhìn đến vấn đề gì đó quá xa vời.
Ông Trường cũng chỉ ra, từ khoảng 3-5 năm trở lại đây hình thái của DN đã bắt đầu thay đổi khá lớn, đã có một bộ phận các DN được tiếp cận công nghệ cũng như những tư duy mới để thay đổi quan điểm kinh doanh. Quan điểm đó là 1 DN muốn phát triển sẽ cần hai yêu cầu rất quan trọng là tư duy và tầm nhìn kỷ lục kèm theo ý tưởng sáng tạo. Sự sáng tạo rất cần những điểm khác biệt, càng sáng càng tạo được những công cụ để giúp cho DN có sự khác biệt lớn về sản phẩm cũng như dịch vụ thì cơ hội thành công của DN càng lớn.
“Trước kia khi người ta nói đến việc làm thương hiệu thường hay nói đến như cái áo bên ngoài - tức là bộ nhận diện. Nhưng hiện nay tư duy về nhận diện đã thay đổi khá lớn do yêu cầu của thị trường nên các DN cần phải linh hoạt hơn. Có một ví dụ là trên các đường phố Việt Nam thường có rất nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu mà người đi đường thì không bao giờ nhớ được nội dung gì, kể cả khi người ta quyết định dừng lại 1 phút để đọc cũng không thể nhớ được”, ông Trường minh chứng.
Do đó ông Trường nhìn nhận, đây là một điểm mấu chốt khi các DN thực hiện các nội dung tiếp thị quảng cáo. Thay vì dùng nhiều lời, thay vì dùng chữ thì với xu hướng hiện nay người ta hay sử dụng các yếu tố hình ảnh. Nhiều DN họ đã áp dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo để có thể chinh phục được rất nhiều khách hàng. Thay vì việc đọc những thông tin giống như đọc báo, thông tin bằng hình ảnh sẽ tạo nên sự đột phá và chỉ với một đoạn video rất ngắn nhưng sẽ tạo ra tính thời sự rất cao.
"Chúng ta có một lợi thế cực kỳ lớn là nhờ vào cộng đồng mạng và vai trò của yếu tố trực tuyến nên nguồn thông tin được lan truyền rất nhanh. Các DN cần coi thương hiệu là một vũ khí chứ không chỉ là công cụ, Chỉ khi sở hữu vũ khí đó, DN mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN và thương hiệu khác", ông Trường nói.