Dịch Covid-19 kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần đuối sức, thậm chí trong tình trạng “hấp hối”. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đó là cần đề cao vai trò sáng tạo, tự chủ. Đồng thời, linh hoạt, chủ động và bền bỉ, xây dựng được cho mình chiến lược phát triển cụ thể dưới những giả định về dịch bệnh.
Theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 8 tháng qua cả nước có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp không còn tồn tại. Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covi-19 lần thứ 4, cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Doanh nghiệp lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm…
Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cũng có nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với kịch bản "sống chung với dịch" để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, nếu năm 2020, Công ty bị đứt cả nguồn cung nguyên liệu đầu vào lẫn tiêu thụ sản phẩm đầu ra do dịch bệnh, nhiều đơn hàng bị huỷ, phải tạm dừng sản xuất một số bộ phận thì năm nay lại hoàn toàn ngược lại, May 10 và cả ngành may lại có nhiều đơn hàng hơn với cơ hội tăng trưởng lớn vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp xác định chỉ khi nào công tác phòng dịch được tốt thì mới duy trì được hoạt động, vì vậy, hàng ngày, hàng giờ tại các nhà máy, dây truyền đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó vaccine đóng vai trò trọng yếu. Cùng với đó, doanh nghiệp đã xây dựng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để có thể chủ động hành động.
"Chúng tôi rà soát danh sách người lao động truy vết để xem những người lao động có đến gần khu vực F0, F1 hay không, hay tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp không... Nếu là đối tượng F2, thậm chí có một số đối tượng F3 có khả năng nguy cơ lây nhiễm thì chúng tôi yêu cầu cách ly tại nhà ngay lập tức 14 ngày. Cùng với đó, liên tục tuyên truyền việc thực hiện 5K ca tại nơi làm việc để toàn thể người lao động nghiêm túc thực hiện" - ông Thân Đức Việt cho biết.
Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp coi đây là cơ hội để ứng dụng công nghệ số, lĩnh vực vốn trước đây chưa được đặt lên hàng đầu. Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 26-3 Hòa Bình, gần 2 năm "sống chung" với Covid-19 cũng là khoảng thời gian doanh nghiệp vận dụng sáng tạo "kinh tế tuần hoàn", đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản trị sản xuất.
Ông Thắng chia sẻ: "Cùng chung hoàn cảnh rất khó khăn, song hiện chúng tôi vẫn đang cầm cự được, duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vì chúng tôi đang vận dụng hết sức sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững, không có con đường nào khác là phải xây dựng các nền tảng công nghệ, trong đó bao gồm công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến. Tất cả nền tảng công nghệ này được chúng tôi vận dụng hết sức sáng tạo, vì vậy trong thời gian vừa qua mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất".
Xây dựng các tình huống giả định để ứng phó, thậm chí xây dựng các kịch bản tăng trưởng tùy theo diễn biến dịch bệnh cũng là cách mà doanh nghiệp cần làm trong lúc này để tồn tại và phát triển. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, trước diễn biến khó lường của Covid-19 các doanh nghiệp nên có một kế hoạch về chiến lược kinh doanh rõ ràng và linh hoạt.
"Chúng ta nên có một chiến lược kinh doanh về tài chính dưới những giả định khác nhau, nên có một kế hoạch ngay từ bây giờ. Thay vì ngồi yên chịu trận trước tác động của Covid-19, thời điểm chúng ta phải chủ động để xem xét đặt nền kinh tế dưới những giả định khác nhau. Từ đó để có chương trình hành động phù hợp, song song với đó cũng như cần có kế hoạch sử dụng công nghệ thông tin mới" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, một số đại diện hiệp hội doanh nghiệp cũng đặt vấn đề: Các ngân hàng thương mại cần giảm mạnh lãi suất để chia sẻ với doanh nghiệp, không thể để doanh nghiệp "chết mòn" do ngừng sản xuất còn ngân hàng lãi "khủng". Thêm vào đó, việc xóa bỏ các rào cản kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu trong sản xuất kinh doanh lúc này.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, đó là những giải pháp căn cơ được doanh nghiệp trông đợi nhất hiện nay. "Giải pháp căn cơ nhất hiện nay đối với doanh nghiệp chính là phải thông thương được. Để bán được hàng thì phải có những vùng xanh an toàn để cho các doanh nghiệp có thể phân phối lượng hàng bán được. Có những hàng không thiết yếu thì vẫn phải cho doanh nghiệp cung ứng vào thị trường vùng xanh.
Bây giờ không phải mặt hàng thiết yếu thì không được giao thương, vậy doanh nghiệp sản xuất ra làm gì. Do đó tôi mong muốn là mấu chốt hiện nay, đó là phải để cho doanh nghiệp bán được hàng, tiêu thụ được hàng hóa".
Tới thời điểm này, vẫn chưa thể đoán định được khi nào chúng ta thoát khỏi sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là cần thay đổi chiến lược quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng. Theo đó, phải cân đối được dòng tiền, xây dựng chính sách và cơ chế giám sát ngân quỹ, lập kế hoạch kinh doanh liên tục. Khó khăn cũng chính là môi trường tôi luyện để mỗi tổ chức, doanh nghiệp tự tìm ra "ánh sáng cuối đường hầm".