Metaverse đang mở ra những cơ hội mới với dự báo mang lại hàng tỷ USD cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khi nhóm dân số trẻ đang tiếp tục gia tăng, Metaverse được kỳ vọng sẽ phát triển và có khả năng trở thành internet thế hệ mới.
Rất đông bạn trẻ đến với sự kiện “Metaverse in Asia - Đường đến Web 3 and Metaverse”
Nhiều thương hiệu hàng đầu nhập cuộc
Hiện tại, đã và đang có nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đầu tư vào lĩnh vực Metaverse. Trong đó, Disney đã bắt đầu tích hợp thế giới vật lý, kỹ thuật số và ảo để giúp khách điều hướng các tài sản và nền tảng vào Metaverse Disney; Hyundai Motor Company đã ra mắt Mobility Adventure, một không gian Metaverse trên Roblox (nền tảng chơi game); Gucci hợp tác với Roblox bằng cách bán một số mặt hàng Gucci hiếm trên nền tảng này, cho phép người dùng mua những sản phẩm có giới hạn trên Roblox (một số mặt hàng dạng kỹ thuật số (vật phẩm ảo) có giá cao hơn mặt hàng dạng vật lý (hàng thật), như một cái túi xách ảo có giá 4.115 USD, cao hơn một chiếc túi xách thật có giá 3.400 USD).
Gần đây nhất là thương vụ nổi tiếng qua việc SoftBank Group Corp đầu tư 150 triệu USD vào một nền tảng Metaverse của Hàn Quốc, thu hút phụ nữ bằng cách bán các hạng mục thời trang cao cấp cho avatar 3D.
Trong báo cáo của Emergen Research công bố hồi tháng 4-2022 cho biết, quy mô thị trường Metaverse sẽ đạt hơn 1.600 tỷ USD vào năm 2030 do mức độ phổ biến ngày càng tăng của trò chơi trực tuyến, vật phẩm ảo và tiền điện tử. Với “miếng bánh” khổng lồ như vậy, rõ ràng bất kỳ doanh nghiệp hay công ty lớn nhỏ đều cũng muốn có phần trong đó. Chưa tính đến tiền kỹ thuật số tạo ra từ Metaverse, giá trị thấy rõ khi thế giới này được tạo ra đã sinh thêm vật phẩm ảo giá trị về mặt thương hiệu, hàng hóa có thể hoạt động như một bản sao của thế giới thực được nhân rộng cho người dùng ở mọi nơi trên thế giới.
Nó loại bỏ ranh giới địa lý nhằm mở rộng tiềm năng bán hàng, người tiêu dùng có thể thử các mặt hàng bằng dạng kỹ thuật số và xem chúng trong thế giới 3D hoàn chỉnh. Một số chuyên gia cho rằng, không ít công ty sẽ được lợi và lớn mạnh hơn từ việc này bằng cách gắn kết thị trường trực tuyến và đời thực với nhau, hoặc có thể tạo ra một kiểu cửa hàng hoàn toàn mới là những dịch vụ kỹ thuật số độc quyền, mang lợi nhuận cao.
Thận trọng lựa chọn hướng tiếp cận
Ảnh hưởng của Metaverse đã lan sang khu vực châu Á, trong đó doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chờ đón những tín hiệu mới để sớm tham gia vào thị trường tiềm năng này. Liên tiếp trong tuần qua, 2 sự kiện liên quan đến Metaverse đã được tổ chức tại TPHCM.
Tại sự kiện “Metaverse in Asia” do Metalook phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB) cùng nền tảng Metaverse Connect.Club tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng Metaverse là “mảnh đất” rất lớn để phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, nhận định: “Metaverse ngày nay là một môi trường kỹ thuật số sống động, có thể thu hút nhóm người trẻ nhanh. Đây là nơi mọi người có thể làm việc, tương tác, chơi trò chơi, kiếm tiền, hiển thị và trao đổi tài sản ảo. Nhiều công ty lớn tham gia vào không gian này với những khoản đầu tư đáng kể, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trước làn sóng mới về chiến lược tiếp thị trực tuyến trong cả thế giới thực và ảo”.
Tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt với cơ hội Metaverse” thuộc chuỗi sự hiện “Metaverse in Asia”, ông Cris D Trần, đồng sáng lập FAM Central, Giám đốc chiến lược M3TA, cho biết, thị trường Việt Nam đã có những ví dụ cụ thể về xu hướng này. Đó là một hãng thức uống đang xây dựng dự án Metaverse với đội ngũ đặt tại Việt Nam; một ngân hàng cũng sắp công bố dự án mở thẻ trực tuyến cho khách hàng qua hình thức Metaverse, hướng đến một môi trường giao dịch ảo hoàn thiện hơn.
Ở góc độ ứng dụng, ông Chu Quang Thái, Thường trực phía Nam Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, cho rằng, Blockchain, công nghệ tài chính... là những góc tiếp cận có liên quan đến Metaverse. Đây là cơ hội để startup dễ dàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, ông Cris D Trần cũng chỉ ra những điểm đáng lưu ý khi doanh nghiệp tham gia Metaverse, trong đó thách thức Metaverse mang lại là khá nhiều trước khi trở nên chính thống, được pháp luật công nhận. Chính vì vậy, đầu tư vào Metaverse cần dự trù những vấn đề pháp lý hiện nay, nhất là các chính sách về tài sản ảo, tiền mã hóa. Song song đó, làm Metaverse cần nhân lực đủ trình độ, vốn… nên nếu doanh nghiệp vượt qua được những vấn đề này thì Metaverse hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới.
“Metaverse mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trước làn sóng mới về chiến lược tiếp thị trực tuyến và giành thị phần trong cả hai thế giới thực và ảo song song, nhưng khuyến nghị doanh nghiệp bình tĩnh lựa chọn phương thức tiếp cận để tránh chuyện đổ nguồn lực vào mà không mang lại kết quả như mong muốn”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm.