Doanh nghiệp Việt 'yếu thế' với đối tác ngoại ngay từ khâu đàm phán

(ĐTTCO) - Trong các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC, nhiều DN Việt lại đang là bên bên chịu bất lợi vì các sơ suất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Doanh nghiệp Việt 'yếu thế' với đối tác ngoại ngay từ khâu đàm phán

Chiều ngày 4-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) triển khai hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp".

Chia sẻ tại hội nghị, LS Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, cho biết trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC. Nhiều trường hợp trong số đó, DN Việt đang là bên bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Theo ông Bắc, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.

Nói thêm về câu chuyện pháp lý trong hợp đồng ngoại thương, LS Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Mặt trời mới (NewSun Law Firm), nhấn mạnh để giao dịch được hiệu quả, DN phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh đặc biệt liên quan đến pháp lý. Qua kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ cho DN trong và ngoài nước về pháp lý, chuyên gia đã phân tích và đúc kết một số vấn đề nổi bật thường phát sinh trong giao dịch với đối tác quốc tế.

Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại mà DN Việt phải gánh chịu, chuyên gia cho rằng, DN cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hoá hay không. Bên cạnh đó, DN cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh những lưu ý quan trọng cho DN xuất khẩu khi ký kết hợp đồng ngoại thương, các chuyên gia tham dự hội nghị lần này cũng bàn nhiều đến câu chuyện chuyển đổi xanh.

TS Võ Trí Thành chỉ rõ khi sự nhận thức về phát triển bắt đầu thay đổi một cách rõ rệt hơn, các quốc gia và bản thân các cá nhân trong xã hội không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn để tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững nói chung. Như vậy, áp lực từ thị trường đòi hỏi các DN phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh".

Ông Thành khuyến nghị, để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, DN nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong DN cũng nên được quan tâm đúng mực. Trong đó, việc thực hiện ESG là yếu tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của DN.

Cũng tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI), chi nhánh khu vực TPHCM, cũng có nhiều trao đổi liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa DN Việt với đối tác quốc tế.

Theo ông Nam, song song với những điểm sáng, các FTAs cùng lúc cũng đặt ra nhiều áp lực cho DN khi nó buộc DN phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Qua nghiên cứu, ông Nam thấy rằng các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa.

Điều này yêu cầu DN phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.

Nhấn mạnh lần nữa với các DN, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc ITPC, cho rằng Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, điều này tạo cho DN cơ hội mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Song DN cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng.

Bà Quyên cũng hy vọng từ các tham luận, phân tích của các chuyên gia tham dự hội nghị lần này các DN sẽ có thêm kiến thức, thông tin giá trị nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Các tin khác