Trong hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý gần đây tại TPHCM, một doanh nghiệp châu Âu tỏ ý muốn được… chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), thay vì không phải chịu thuế như quy định hiện nay.
Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo quy định về VAT thì dịch vụ giáo dục không phải chịu VAT. Đại diện Cục Thuế TP giải thích giáo dục là dịch vụ được khuyến khích phát triển nên được đưa vào diện không phải chịu thuế chung với dịch vụ y tế, thể thao… Việc không đánh thuế này là nhằm tạo thuận lợi cho học sinh đi học khỏi phải trả thêm VAT vào học phí, người bệnh khám, chữa bệnh khỏi phải trả VAT…
Đại diện doanh nghiệp châu Âu nghe giải thích “ưu đãi” trên thì cứ đáp “biết rồi, biết rồi”. Nhưng ông cũng trình bày rằng doanh nghiệp đang phải gánh chịu thiệt thòi từ chính sách “ưu đãi” này. Bởi lẽ doanh nghiệp phải mua máy móc, thiết bị để giảng dạy, trang bị bàn, ghế, cơ sở vật chất… Khi mua sắm những thứ “đầu vào” này, doanh nghiệp vẫn phải trả VAT. Nhưng theo quy định doanh nghiệp không chịu VAT đầu ra thì cũng không được hoàn lại VAT đầu vào.
Trong khi đó, nếu dịch vụ của doanh nghiệp thuộc nhóm phải chịu thuế VAT thì có VAT đầu ra và sẽ được hoàn VAT đầu vào. Vì vậy mà doanh nghiệp giáo dục nói trên xin được chịu thuế VAT (với thuế suất 0%) để có thể được hoàn lại thuế VAT khi mua sắm trang thiết bị đầu vào.
“Ưu đãi” thuế trên nhắm đến phát triển người dùng dịch vụ. Nhưng muốn có dịch vụ để tiêu dùng thì phải có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nếu chính sách ưu đãi không có lợi cho doanh nghiệp thì khó khuyến khích phát triển dịch vụ, kéo theo đó là cũng không hỗ trợ được cho người dùng.
Bởi thế chuyện doanh nghiệp xin chịu thuế nghe ngược đời nhưng có lý.