Xác định "sống chung với dịch", nhưng ông chủ Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt nói "không khỏi buồn và nản", khi một lần nữa ngành du lịch lại lao đao vì "sóng" Covid-19 mới đang bùng phát.
"Nhiều dịch vụ mới được chúng tôi triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè, nhưng giờ lại thấy tăm tối khi dịch tái diễn. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải", ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc Công ty AZA Travel chia sẻ.
Trước dịch, AZA Travel tính tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng nay kế hoạch này phải dời lại. Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, ông Đạt cho rằng sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao.
Giống như các đợt dịch trước đây, ngành kinh doanh dịch vụ, lữ hành, nhà hàng vẫn chịu tổn thương nhiều nhất khi Covid-19 bùng phát.
Không riêng doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, khối sản xuất cũng đang đứng trước rủi ro "kép", bởi nỗi lo dịch "tràn" vào nhà máy và giá nguyên vật liệu sản xuất, cước phí vận chuyển hàng hoá tăng phi mã.
Trải qua 3 đợt dịch, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, doanh nghiệp gỗ đã biết cách vượt khó, các đơn đặt hàng đang gia tăng so với năm ngoái và đợt dịch đầu tiên. Nhưng nỗi lo với ngành gỗ là giá nguyên liệu đầu vào ngành gỗ đang tăng 15-20%, các chi phí logistics cũng tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó vì phí chồng phí.
"Chi phí sản xuất bị đội lên cùng đà tăng của giá nguyên vật liệu sản xuất, khiến lợi nhuận doanh nghiệp "teo" lại", ông Phương chia sẻ.
Tương tự, giá nguyên vật liệu sản xuất (phế liệu, quặng sắt, than...) leo thang cũng khiến không ít doanh nghiệp gặp rủi ro. Trên thị trường thế giới, giá phế liệu đã tăng gần 2,5 lần, còn giá quặng cũng tăng gần 3 lần trong một năm, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Chưa kể, mức hao hụt trong sản xuất lớn.
Chẳng hạn, với doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ lò điện, tỷ lệ hao hụt phế liệu trong một tấn thép thô là 1,1 tấn, tức là làm ra một tấn thép thì cần 1,1 tấn phế liệu. Còn với nhà máy sử dụng công nghệ lò cao, quặng sắt chiếm gần 50% giá thành.
Để không bị gián đoạn sản xuất, các doanh nghiệp cho biết, họ phải "tính đường dài", ứng khoản tiền lớn để nhập trước nguyên liệu phòng trường hợp giá tiếp tục lên.
"Giá vật liệu tăng phi mã, lại chiếm 50-70% giá thành, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng tương ứng. Mức tăng giá sản phẩm bán ra cũng chỉ bù đắp một phần chi phí sản xuất bị "đội" lên", đại diện một doanh nghiệp thép chia sẻ.
Nhưng qua từng đợt dịch, điều các ông chủ doanh nghiệp nhận ra là, nếu linh hoạt ứng phó và chuyển mình, đón nhận xu hướng mới thì tương lai vẫn có cơ hội.
Tổng giám đốc AZA Travel đã tính mở thêm ngành "tay ngang" là kinh doanh sản phẩm bia từ châu Âu để "lấy ngắn nuôi dài", có tiền trả lương cho nhân viên.
"Chúng tôi chủ yếu bán online, vận chuyển tới tận nhà khách hàng khi các kênh tiêu thụ truyền thống là nhà hàng, quán bia cũng đang phải tạm đóng vì dịch", ông Đạt nói.
Mảng "tay ngang" là kinh doanh bia online không đem lại doanh thu "khủng", nhưng ông chủ này kỳ vọng doanh nghiệp vẫn sống được qua đợt dịch, chờ đợi cơ hội kinh doanh từ du lịch khi dịch bệnh lắng dịu.
Cũng xoay qua mảng kinh doanh khác để "lấy chỗ nọ bù chỗ kia", ông Hùng - Giám đốc một công ty nội thất tại Hà Nội cho biết, nếu chỉ giữ một mảng duy nhất trong lúc này thì "cố lắm cũng chỉ tồn tại được nửa năm tới", nên ông phân phối thêm mảng nông sản, thực phẩm sạch để có thêm thu nhập.
Mở thêm mảng kinh doanh hoàn toàn trái ngược với lĩnh vực theo đuổi lâu nay, nhưng ông vẫn tự tin sẽ thành công. Với lĩnh vực mới, chúng tôi giải được một phần bài toán việc làm. Cơ cấu bộ máy nhân viên lại phân chia lại, một phần được chuyển sang làm kinh doanh, phát triển thương hiệu thực phẩm, phần còn lại vẫn duy trì mảng nội thất.
"Làm quen lĩnh vực kinh doanh mới lúc này khá vất vả, lợi nhuận không cao, nhưng có việc để làm trong mùa dịch, chờ cơ hội mới khi dịch bệnh qua đi vẫn là niềm vui lớn", ông bộc bạch.
Nhưng không phải ông chủ nào khi xoay mảng kinh doanh mới cũng gặt hái "trái ngọt". Hơn một lần kế hoạch mở thêm nhà hàng mới của anh Hoàng - chủ một doanh nghiệp gỗ tại TPHCM phải lùi lại vì dịch.
Năm ngoái khi dịch vừa xảy ra, buôn bán đồ gỗ chậm lại, anh Hoàng cùng vài người bạn xoay sang kinh doanh nhà hàng ở quận Bình Thạnh. 4 tỷ đồng đã được anh cùng nhóm bạn "rót" vào thuê đất, đầu tư nhà hàng rồi đợt dịch thứ hai bất ngờ ập tới khiến kế hoạch khai trương liên tục bị lùi lại.
Để duy trì mảng kinh doanh mới vượt qua trong "bão" dịch, anh và các cổ đông tiếp tục góp thêm 2 tỷ và dự định khai trương nhà hàng trong tháng 4. Lại một lần nữa kế hoạch lỗi hẹn khi chính quyền thông báo các nhà hàng, quán ăn trên 30 người ở TPHCM phải dừng kinh doanh vì dịch. Tiền thuê mặt bằng, lương cho gần 40 nhân viên, quản lý vẫn phải trả đều đặn hàng tháng, khiến ông chủ này "toát mồ hôi".
6 tỷ đồng rót vào mở mới nhà hàng, mà doanh thu thực thu được từ khi bắt đầu tới giờ chỉ một, hai trăm triệu đồng. Tình trạng này kéo dài, anh Hoàng lo sợ, khoản đầu tư sẽ tăng cao và nguy cơ không thể thu hồi vốn, thậm chí phá sản.