Phiên tòa đầu tiên xét xử vụ bê bối toàn cầu về cấy ghép ngực giả làm bằng silicon công nghiệp giá rẻ không thích hợp dùng cho người vừa khai mạc hôm 17-4. Hàng trăm phụ nữ sẽ tham dự để nói về nỗi khổ của họ và tố cáo doanh nhân vô lương tâm Jean-Claude Mas.
Phiên tòa ở Marseille sẽ là một trong những phiên tòa lớn nhất được tổ chức tại Pháp. Phiên tòa quá “khủng” không thể tổ chức tại trụ sở tòa án nên được tiến hành tại một trung tâm hội nghị rộng lớn thường dùng làm nơi tổ chức các cuộc vận động đại chúng của Nicolas Sarkozy và hội chợ thương mại, với chi phí 800.000EUR.
Hiện có hơn 5.100 phụ nữ nguyên đơn trong vụ án, hầu hết là người Pháp, chỉ có khoảng 200 người nước ngoài, chủ yếu là Argentina và Áo. Hơn 300 luật sư tham gia phiên tòa. Người sáng lập công ty Pháp Poly Implant Prothèse (PIP) Jean-Claude Mas cùng 4 quản lý cấp cao của ông phải ra tòa vì tội gian lận trầm trọng và đối mặt với 5 năm tù giam và 37.500EUR tiền phạt nếu bị kết án.
Công ty PIP từng là nhà cung cấp ngực cấy ghép đứng thứ 3 toàn cầu, bị cáo buộc trong 10 năm trời đã thực hiện cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng một hỗn hợp tự chế bất hợp pháp của silicon dùng cho công nghiệp và nông nghiệp, hoàn toàn không phù hợp để sử dụng trên con người. PIP đã cố tình giấu nhẹm bằng chứng về silicon dỏm khi có các chuyến thăm của thanh tra y tế châu Âu, nơi đã cấp phép cho ngực cấy ghép. Thủ đoạn sử dụng silicon rẻ tiền, không đạt tiêu chuẩn đã “tiết kiệm” cho PIP thêm 1 triệu EUR mỗi năm.
Vụ bê bối nổi lên trong năm 2010 sau khi các bác sĩ phẫu thuật báo động về tỷ lệ bị vỡ cao bất thường đối với các trường hợp cấy ghép ngực giả của PIP. Sau đó, ngực giả PIP được xác định có tỷ lệ phân tách cao hơn so với các thương hiệu khác. Việc sử dụng silicon không hợp chuẩn bị đưa ra ánh sáng, PIP bị đóng cửa và sản phẩm ngực cấy ghép của PIP bị rút khỏi thị trường.
Khám xét PIP ở miền Nam nước Pháp đã phát hiện các can chứa silicon công nghiệp trong một chiếc xe tải. Tháng 12-2011, Bộ Y tế Pháp chính thức khuyến cáo phụ nữ có cấy ghép PIP nên đi lấy ra để phòng ngừa, vì mặc dù chưa chứng minh được chúng gây nguy cơ ung thư nhưng chúng có thể vỡ tung. Một cuộc điều tra riêng biệt về nghi án ngộ sát đã được thực hiện sau cái chết vì ung thư của một phụ nữ Pháp có cấy ghép PIP vào năm 2010.
![]() |
Các luật sư mang những thùng hồ sơ vào phiên tòa xét xử vụ bê bối PIP. |
PIP từng sản xuất hơn 100.000 ngực cấy ghép mỗi năm, trong đó xuất khẩu 80%. Ước tính có hơn 300.000 phụ nữ ở 65 quốc gia cấy ghép ngực giả PIP, bao gồm cả trong phẫu thuật tái tạo vú sau khi đoạn nhũ để chữa trị ung thư. Khoảng 47.000 phụ nữ Anh đã cấy ghép PIP.
Ở Pháp, trong số 30.000 phụ nữ đã cấy ghép ngực PIP, gần một nửa đã tháo ra và khoảng 4.000 báo cáo cấy ghép ngực của họ bị vỡ. Phiên tòa sẽ xem xét kỹ lưỡng các phương thức hoạt động của Mas, 73 tuổi, người sáng lập PIP sau khi thử qua một loạt công việc từ bảo hiểm đến bán rượu Cognac và bán vật liệu khử trùng cho các nha sĩ. Mas được mô tả như một người điều hành kinh doanh với một bàn tay cứng rắn và bí mật.
Khi bị bắt tại trang trại của mình ở miền Nam nước Pháp, Mas phủ nhận việc ngực giả kém chất lượng gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào cho sức khỏe, cho rằng những người khiếu nại là “những kẻ nhạy cảm, hoặc muốn làm tiền”. Năm ngoái, Mas đã ngồi tù vài tháng vì không trả 100.000EUR tiền bảo lãnh.
Nhiều phụ nữ đã cấy ghép PIP kể về sự đau khổ tâm lý và thể chất của họ sau khi ngực giả bị vỡ hoặc rò rỉ. Một số cho biết họ bị trầm cảm và lo âu, cảm thấy như “mang một quả bom hẹn giờ trong cơ thể”, phải phụ thuộc vào thuốc ngủ.
Một nhóm phụ nữ Pháp với cấy ghép PIP nói: “Chúng tôi đang chờ đợi để được công nhận là nạn nhân, để đối mặt với những người đã phá hủy cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi cần sự công nhận và công lý để có thể bắt đầu lại và xây dựng lại chính mình”.