Người xưa dùng sơn ta để sơn, gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, rồi phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm tăng độ bền. Với bề mặt cứng, không thấm nước, hiệu ứng phát sáng bởi các lớp sơn mài, vàng, sơn mài được dùng vào các công việc trang trí trong các cung điện, đền đài, chùa tháp…
Năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, với việc áp dụng các quy tắc tạo hình phương Tây trong hội họa, từ chất liệu trang trí ứng dụng, sơn mài đã trở thành chất liệu tạo hình độc đáo.
Trong số những họa sĩ thử nghiệm thành công như Trần Quang Trân, phải kể đến Nguyễn Gia Trí được coi là người có thành công sớm nhất và có tên tuổi với những tác phẩm xuất sắc, như “Thiếu nữ bên hồ sen”, “Thiếu nữ trong vườn”… mang đến cho người xem cảm giác trong veo, màu sắc đạt đến độ sâu thăm thẳm.
Trên bề mặt tranh không chỉ là tầng tầng, lớp lớp màu và chất quyện vào nhau, họa sĩ còn phóng lên đó những thiếp vàng rực rỡ, lung linh huyền ảo, những thiếu nữ đứng ngồi đi lại đuổi bướm bắt hoa vui chơi bên hồ, dưới cành tơ liễu. Người xem như choáng ngợp trước không gian gian giàu sang chói lóa, giàu chất xúc cảm nhưng vô cùng thoải mái tự nhiên và hài hòa.
Tiếp theo các thế hệ của Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Hoàng Tích Trù, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Tư Nghiêm… lớp họa sĩ kế tiếp Thành Chương, Trần Lãng, Đỗ Khải, Đinh Quân, Nguyễn Nghĩa Dậu… tiếp thu truyền thống và tiếp tục đưa sơn mài lên những tầm cao và ngày càng trở nên phổ biến hơn với người yêu nghệ thuật.
Những bức sơn mài kinh điển “Made in Việt Nam” vẫn là sự “thèm muốn vô tận” của nhiều nhà sưu tập khắp thế giới. Giá của bức sơn mài, không còn nằm ở khổ to hay bé, dùng nhiều hay ít bạc vàng.
Đặc biệt, sơn ta có độ dính cao, khi khô sẽ rất bền, không thấm nước, không mối mọt, chịu được axid, nước biển và nhiệt độ cao. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ bóng cao tạo độ sâu tốt, giúp tôn màu sắc sâu thẳm và bền màu. Tranh sơn mài càng để lâu càng đẹp, thấm đẫm màu thời gian.
Nhiều họa sĩ nước ngoài đã bị sơn mài hấp dẫn và tìm thấy niềm đam mê, cảm hứng sáng tác thông qua chất liệu này, bất chấp việc tạo nên một bức tranh sơn mài phải mất thời gian từ vài tháng đến cả năm, với nhiều công đoạn xử lý vóc và kỹ thuật cầu kỳ, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của người nghệ sĩ.
Thêm vào đó, có người còn bị dị ứng, sưng mắt và da bị bong lở loét khi tiếp xúc với sơn mài. Có thể kể đến những họa sĩ nước ngoài sang Việt Nam để học cách làm tranh sơn mài và đã thành công, như họa sĩ người Nhật Saeko Ando, Oba Shuji, họa sĩ Mỹ gốc Việt Phi Phi Oanh và nhiều họa sĩ khác đến từ Bỉ, Pháp…
Vượt qua những giai đoạn thăng trầm, sơn mài ngày càng khẳng định vị trí của mình với nét đặc trưng riêng. Ngày nay, nghề làm sơn mài đã xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước. Những làng nghề chuyên làm sơn mài cũng đã định hình tại các tỉnh/thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, TPHCM.
Trong đó, có thể kể tới một số làng nghề sơn mài nổi tiếng như Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), Cát Đằng (Nam Định), Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Sản phẩm của các làng nghề này không những được tiêu thụ trong nước, còn là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng doanh số tiệu thụ sản lượng mặt hàng này, chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng của các sản phẩm, đa dạng hóa cả về mẫu mã hình thức trang trí và thiết kế.
Một trong những doanh nghiệp đã tiến hành những công việc nói trên và nỗ lực nắm bắt xu thế của thị trường, là Trung tâm Sơn mài mỹ nghệ Hà Nội. Trong thời gian qua, trung tâm đã đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và khách du lịch tại Hà Nội.
Không chỉ kết nối với các họa sĩ để giới thiệu các tác phẩm mang tính nghệ thuật, trung tâm còn sản xuất các mặt hàng mang tính ứng dụng cao như bình hoa, đĩa, cốc, bát, hoa tai, ống cắm bút, đến tủ đựng quần áo với những trang trí đẹp mắt cầu kỳ, và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt.
Khách quốc tế đến thăm không gian trưng bày và xưởng sản xuất của Trung tâm Sơn mài mỹ nghệ Hà Nội đều cảm thấy thích thú, vì qua đó họ có thể hiểu hơn về văn hóa người Việt Nam.
Theo chị Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Trung tâm, các sản phẩm tại đây đều được xử lý để có thể chịu được áp lực về thời tiết, không bị co giãn khi xuất sang các nước hàn đới. Đồng thời, Trung tâm cũng chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan tại xưởng sản xuất.
Khách đến mua hàng còn hiểu hơn về các công đoạn làm sơn mài thông qua việc thăm quan xưởng và nghe thuyết minh giới thiệu tại đây từ việc làm cốt, bó hom vóc cho đến trang trí (cẩn trứng, mài lót, dán vàng/bạc, vào màu), mài, đánh bóng…
Trải qua lịch sử ngàn năm, câu chuyện về sơn ta ẩn chứa bề sâu thăm thẳm lịch sử, văn hóa, mang đầy tính triết lý, đã tạo ra nét nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu cấp quốc gia nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của hội họa sơn mài.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay để đẩy mạnh lĩnh vực du lịch, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiết kế và đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, cần tìm hiểu và phát triển nhiều hơn mẫu mã sản phẩm, tạo ra các sản phẩm sơn mài tinh xảo hơn, thiết kế xây dựng tour cho các khách nước ngoài trải nghiệm quy trình làm sơn mài, để từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.