Các đội QLTT đã phát hiện hàng loạt vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ gần 129.000 đơn vị sản phẩm các loại, ước tính giá trị hơn 507 triệu đồng. Bước đầu phân loại các mặt hàng tạm giữ, ghi nhận hàng dược phẩm là nhiều nhất (76.849 đơn vị sản phẩm), mỹ phẩm (27.050 đơn vị sản phẩm), thực phẩm chức năng (11.512 đơn vị sản phẩm), đông dược (4.524 đơn vị sản phẩm), còn lại là các loại dụng cụ y tế…
Đáng chú ý, nhiều hàng hóa bị tạm giữ lần này đến từ các nhà thuốc và thương hiệu mỹ phẩm lớn như Vĩnh Xuân, chuỗi cửa hàng Koala… Đây là đợt ra quân được thực hiện bởi Chi cục QLTT TPHCM, phối hợp cùng tổ công tác của Bộ Công Thương về đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
Kinh tế phát triển, cuộc sống khấm khá là lý do mà người tiêu dùng Việt Nam đang chi tiêu khá mạnh tay cho những sản phẩm như mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm nhập ngoại, xách tay. Thế nhưng, đây chính là khởi nguồn cho những người làm ăn thiếu chân chính có cơ hội để làm giàu trên sức khỏe và sự tin tưởng của người mua.
Những mẩu tin về việc cơ quan quản lý bắt giữ các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhưng dường như thanh kiểm tra xong, xử phạt xong mọi thứ đâu lại vào đó. Có lẽ vì lợi nhuận từ nhóm hàng không rõ nguồn gốc này quá cao trong khi mức xử phạt vẫn còn rất nhẹ. Đó là chưa kể có những chuỗi cửa hàng được “bảo kê” bởi một nhân vật nào đó, khiến con đường dẹp loạn của nhiều cán bộ QLTT cũng gập ghềnh hơn. Lẽ dĩ nhiên người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người mua khi phải chịu cảnh tiền mất tật mang.
Tất nhiên việc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan như hiện nay, cũng có một phần nguyên nhân từ người tiêu dùng khi muốn dùng hàng tốt, có thương hiệu nhưng giá phải hợp túi tiền. Song có lẽ cần phải có những chế tài thật mạnh tay với những vấn nạn này để triệt tiêu lối kinh doanh lừa đảo. Thậm chí cơ quan chức năng cũng phải quan tâm cả đến những shop online với cái mác kinh doanh hàng xách tay đang mọc lên như nấm sau mưa.
Bán thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả không khác nào bán thuốc độc cho người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này.