Tập trung thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
Xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 23 theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
UBND các tỉnh cần chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ, nhất là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Sở LĐTB&XH các tỉnh cũng cần tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy; có biện pháp phòng, dịch an toàn đối với khách đến thăm; không tiếp nhận đối tượng mới, trường hợp phải tiếp nhận khẩn cấp thì cơ sở phải phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức xét nghiệm, bố trí nơi cách ly theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19; phân công cán bộ, nhân viên luân phiên chăm sóc đối tượng, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở này. Trường hợp để lây nhiễm trong cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.