Làm sao để tập huấn giáo viên đạt hiệu quả là câu hỏi đặt ra cho các nhà trường.
Học sinh Trường THCS Đồng Khởi giới thiệu thí nghiệm phản ứng hóa học theo dạng domino. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chú trọng kỹ năng, phương pháp giảng dạy
Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) bày tỏ, bồi dưỡng giáo viên hiện nay ngoài việc bổ sung kiến thức còn trang bị cho thầy cô giáo phương pháp, kỹ năng triển khai bài giảng. Trải qua nhiều lần tạm đóng cửa vì dịch bệnh, các trường đã ý thức hơn tầm quan trọng của việc trang bị kho học liệu dùng chung cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu người dạy không nắm được phương pháp sẽ không thể triển khai bài giảng hiệu quả.
Cô T.N. - giáo viên môn Hóa học ở quận Bình Thạnh cho biết, nhiều năm nay, các trường THCS trên địa bàn TPHCM đẩy mạnh phương pháp dạy học liên môn như dạy Văn lồng ghép kiến thức Lịch sử, Địa lý. Đây là cơ sở quan trọng giúp giáo viên dễ dàng bắt nhịp khi chuyển đổi qua CT GDPT 2018 với hình thức dạy học theo chủ đề, tích hợp kiến thức nhiều môn học. Đơn cử, trong thiết kế chương trình môn Khoa học tự nhiên khối 6, các chủ đề như “Chất và sự biến đổi của chất”, “Vật sống”, “Năng lượng và sự biến đổi”… đều xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Giáo viên không còn đóng vai trò truyền thụ mà giúp học sinh xâu chuỗi kiến thức, tìm được mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn, qua đó nâng cao khả năng thực hành.
Ở góc độ khác, Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 hiện đang tham gia chương trình tập huấn giáo viên theo CT GDPT 2018 cho biết, chương trình bồi dưỡng hiện nay được thiết kế thành nhiều chuyên đề. Trong đó, phạm vi kiến thức được bổ sung khá rộng, không chỉ trong chương trình lớp 6 mà cả bậc THCS. Vì vậy, giáo viên không thể mang tâm lý “cầm tay chỉ việc” mà phải xác định là quá trình học tập lâu dài, cập nhật không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng giảng dạy. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), bồi dưỡng giáo viên trong tình hình hiện nay là giải pháp tình thế khi chưa có đội ngũ giáo viên liên môn, tích hợp. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các trường sư phạm mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp để triển khai một cách căn cơ, hiệu quả CT GDPT 2018.
Quan tâm chế độ, chính sách cho giáo viên
Mới đây, tại buổi làm việc phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở GD-ĐT TP do đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì, Sở GD-ĐT TP đã đề xuất kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính điều chỉnh Thông tư số 36/2018 về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cô Phùng Thị Ngọc Mai, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), đang trao đổi với học sinh tại thư viện. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đó, quy định hiện nay không cho phép chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo CT GDPT 2018 từ nguồn ngân sách. Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP cho biết, nhà trường hiện phân bổ ngân sách được cấp hàng năm theo tỷ lệ 80% chi cho con người (gồm trả lương giáo viên và một số khoản chi khác), 20% cho các hoạt động trong nhà trường. Trong đó, với các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, trường học có thể phân bổ kinh phí trong 20% nói trên. Hiện nay kinh phí tập huấn giáo viên theo CT GDPT 2018 là khoản chi không nhỏ nhưng chưa có cơ chế cấp bù ngân sách. Tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư hướng dẫn chi đối với các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Trong thời gian chờ đợi, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện theo Thông tư 36.
Một bất cập khác hiện nay khi triển khai tập huấn giáo viên theo CT GDPT 2018 là chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên cốt cán. Đại diện các trường đều cho rằng, giáo viên cốt cán được giao nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên khác trong quá trình học tập, bồi dưỡng CT GDPT 2018. Do đặc thù số lượng học sinh/trường tương đối lớn, quy mô giáo viên khá lớn dẫn đến khối lượng công việc với đội ngũ giáo viên cốt cán là không nhỏ. Trong khi quy định hiện hành chưa có bất kỳ khoản chi nào hỗ trợ giáo viên cốt cán.
Trước thực tế này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, trước mắt các trường có thể áp dụng Thông tư 28/2009 về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và Thông tư 15/2017 về sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Việc hỗ trợ đồng nghiệp có thể quy đổi thành 1,5 tiết dạy với đội ngũ cốt cán. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các trường khi triển khai CT GDPT 2018.
Đối với hoạt động trải nghiệm, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cho biết, chương trình giảng dạy tổng hòa kiến thức của nhiều lĩnh vực gồm tự nhiên, xã hội, kỹ năng sống. Vì vậy, việc phân công giáo viên nào đứng lớp, triển khai bài dạy thế nào cho hiệu quả là bài toán mà hiệu trưởng các trường phải cân nhắc. |