Vì thế, để đánh giá chính xác hơn tác động về thuế, Chính phủ cần công khai thông tin về miễn giảm thuế, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế để hỗ trợ nhiều hơn cho DNNVV.
Tác động giảm thuế chưa rõ ràng
Theo các tác giả của nghiên cứu này (TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích dự báo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia và ThS. Nguyễn Ngọc Hiệu thuộc Tổ chức Sáng kiến Việt Nam), trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi khiến DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh này, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường. Nhiều chính sách miễn giảm thuế TNDN đối với DNNVV đã được đưa ra, như giảm 30% số thuế TNDN phải nộp trong năm 2011 và 2012 cho DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động; áp dụng mức thuế TNDN 20% đối với DNNVV (doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ đồng) từ ngày 1-7-2013…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, DN có xu hướng cải tiến sản phẩm hơn là đổi mới công nghệ hoặc đưa ra sản phẩm mới. Tỷ lệ DN áp dụng các công nghệ mới giảm mạnh từ 22,6% (năm 2011) xuống còn 7,9% (năm 2013), trước khi có sự hồi phục nhẹ lên 8,4% (năm 2015). Sự sụt giảm trong việc áp dụng công nghệ mới chủ yếu ở các DNNVV.
Điều này trái với kỳ vọng về việc DN nhỏ có thể tận dụng việc giảm thuế để tăng tích lũy cho đổi mới công nghệ và sản phẩm. Tuy nhiên, khi xét riêng đối với những DN có doanh thu năm dưới 20 tỷ đồng, quy mô lao động 10-100 người, việc giảm thuế đã giúp họ tăng 1,3% xác suất đổi mới công nghệ và 1,2% cải tiến sản phẩm so với DN khác; đồng thời làm tăng quy mô DN lên khoảng 1,3 lần.
Như vậy, chính sách giảm thuế suất dù làm tăng nhu cầu tuyển dụng của DN nhỏ, nhưng chủ yếu là lao động không có kỹ năng.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế khiến các DN nhỏ có xu hướng giảm cải tiến sản phẩm, nhưng lại tăng số lượng các sản phẩm mới so với DN lớn.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế khiến các DN nhỏ có xu hướng giảm cải tiến sản phẩm, nhưng lại tăng số lượng các sản phẩm mới so với DN lớn.
Thí dụ, việc giảm thuế năm 2012 đã có tác động làm tăng xác suất DN đưa ra sản phẩm mới ở mức 0,2%. Ngoài ra, giảm thuế có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến 2 trong 3 chỉ tiêu đo lường về đổi mới sáng tạo của DNNVV. Cụ thể, giảm thuế có tác động làm tăng khả năng đổi mới công nghệ và đưa ra sản phẩm mới của DNNVV khoảng 1,1%, làm tăng quy mô của DN lên khoảng 6,6% so với DN lớn. Kết quả này thống nhất với quan điểm cho rằng chính sách thuế có tác động tích cực hỗ trợ phát triển của DNNVV.
Chính sách giảm thuế chưa hiệu quả nên chưa tạo động lực DN đổi mới công nghệ.
Thiếu cơ chế đánh giá hiệu quả
Để đánh giá chính xác hơn hiệu quả của các chính sách miễn giảm thuế, nghiên cứu trên kiến nghị Tổng cục Thuế cần thiết lập cơ chế báo cáo giúp các cơ quan thuế thu thập thông tin và dữ liệu, như số dự án được hưởng ưu đãi thuế, số giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế, đóng góp của dự án được hưởng ưu đãi đối với nền kinh tế về các khía cạnh việc làm, kim ngạch xuất khẩu. Các thông tin thu thập được cần công bố công khai để mọi người dân có thể tiếp cận, giám sát.
Ngoài vấn đề về thuế suất, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy một trong những cản trở lớn hiện nay đối với DNNVV là các thủ tục về thuế. Thí dụ, khảo sát Tổng quan môi trường thuế Việt Nam (năm 2015) chỉ ra vướng mắc lớn nhất của DN là hệ thống và quy định thuế chưa rõ ràng. Tỷ lệ DN cho rằng quy định pháp luật, chính sách thuế là lý do lớn nhất khiến họ e ngại nộp thuế (cao hơn nguyên nhân tình hình kinh doanh khó khăn).
Hay theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017, hệ thống thuế của Việt Nam ở mức cạnh tranh thấp (167/190 quốc gia), chủ yếu do thời gian thực hiện thủ tục thuế lớn (540 giờ/năm), cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Do vậy, bên cạnh việc hỗ trợ về giảm thuế, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa quy định báo cáo thuế cho DNNVV, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trốn thuế, nợ đọng thuế để hỗ trợ giảm chi phí và tạo bình đẳng giữa các DN.