Báo cáo tại Hội nghị Đầu tư cho khoa học và công nghệ phát triển bền vững của DN diễn ra mới đây, TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết theo một kết quả khảo sát trên 510 DN, có đến 99,8% DN chưa quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ hoặc chưa đủ sức đổi mới công nghệ cho sản xuất kinh doanh.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng xuất khẩu chủ yếu của nước ta vẫn chỉ là sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp, gây lãng phí rất lớn.
Ở nhiều quốc gia công nghệ được xem là vũ khí chiến lược để gia tăng sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững. Các DN nước ngoài rất chú trọng và nhanh chóng nắm bắt, đầu tư công nghệ mới để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hòng thâm nhập thị trường quốc tế.
Trong khi đó, hội nhập sâu nhưng ý thức và khả năng đổi mới công nghệ lại thụt lùi, hàng hóa Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh với hàng hóa các nước. Theo các chuyên gia, gút mắc của vấn đề chủ yếu là kinh phí, bởi hiện nay muốn đầu tư công nghệ mới phải cần tài chính lớn.
Vì thế, năm 2011 Quỹ Đổi mới công nghệ đã được thành lập, được cấp vốn bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước, được sử dụng đến 50% vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn.
Tại TPHCM, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ TPHCM cũng ra đời khá lâu, là nơi để các DN có thể tìm nguồn kinh phí đầu tư công nghệ mới.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN chia sẻ không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi lại trầy trật với hồ sơ và thủ tục xin vay vốn ưu đãi đổi mới công nghệ, nhưng vẫn không có phản hồi gì từ các cơ quan liên quan.
Ngược lại, các cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân DN không tiếp cận được vốn ưu đãi là do thiếu thông tin và bị động, chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của các nội dung hỗ trợ, thiếu những dự án đạt hiệu quả thực tế.
Nếu cứ tiếp diễn tình trạng DN mò mẫm lên kế hoạch dự án, còn các quỹ hỗ trợ chỉ xét duyệt khi dự án được trình ra, 2 bên vẫn sẽ khó lòng tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, vấn đề hiện nay các DN cần là sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các quỹ để lập ra những dự án khả thi, có khả năng vay vốn.
Có như vậy mới thúc đẩy được nỗ lực đổi mới công nghệ của DN, giúp DN Việt Nam, đặc biệt DNNVV không bị tụt hậu, để hàng hóa Việt Nam ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.