Giáo viên cần làm gì để bù đắp kiến thức và phát triển năng lực học sinh (HS) trong chưa đầy một học kỳ còn lại?
Tạo cơ hội cho học sinh tìm tòi, khám phá
Sáng 24-2, tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), tiết dạy Toán với bài học “Mét” do cô Hoàng Thụy Minh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, giảng dạy diễn ra trong không khí sôi nổi. Mở đầu tiết học, cả lớp được khởi động với trò chơi “Đố bạn”. HS trả lời nhanh các câu hỏi liên quan 2 đơn vị đo độ dài đã học tuần trước là dm (đềximét) và cm (xăngtimét).
Với câu hỏi “Chiều dài cục gôm có thể đo bằng đơn vị cm, vậy chiều dài lớp học có đo bằng cm được không?”, HS đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo như đo bằng sải tay, bước chân. Một HS đặt câu hỏi: “Bước chân mỗi người dài ngắn khác nhau. Làm sao kết quả đo của con và các bạn giống nhau vậy cô?”. Từ thắc mắc này, cô Minh Thư đã giới thiệu cho cả lớp đơn vị đo độ dài mới là “mét”.
Từ khởi động đầy hào hứng, HS được cô Minh Thư giới thiệu về tên gọi, ký hiệu, cách đọc, độ lớn và quan hệ của mét với các đơn vị đo đã học trước đó. Sau đó, từng HS được chạm tay vào hai đầu thước đo dài 1m để cảm nhận về độ lớn của đơn vị này. Các em được chia thành 4 nhóm thảo luận 2 câu hỏi của giáo viên là “Mấy gang tay của em thì được 1m?” và “So sánh chiều cao của em với độ dài 1m”. Nhiều HS đã liên tưởng đến việc đo chiều cao khi mua vé vào cổng khu vui chơi hay ăn tối ở nhà hàng.
Chia sẻ bên lề tiết dạy, thầy Khúc Thành Chính, Chủ biên SGK Toán lớp 2 - bộ sách “Chân trời sáng tạo”, cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình GDPT 2018 là không áp đặt kiến thức mà tạo cơ hội cho người học tìm tòi, khám phá kiến thức mới. Do đó, SGK và sách hướng dẫn dạy học chỉ là 2 trong số những gợi ý cho giáo viên liên hệ kiến thức với các vấn đề trong thực tế cuộc sống, từ đó giúp HS trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì?”.
Điểm mấu chốt của phương pháp dạy học theo chương trình mới là giáo viên phải tạo tình huống cho HS suy nghĩ, đưa phương án xử lý chưa đúng để học sinh phản biện, từ đó tìm kiến thức mới. Thầy Chính thừa nhận, dạy học trực tuyến rất khó để giáo viên triển khai các phương pháp dạy học mới do HS hạn chế tương tác, không thể thao tác trực tiếp với các dụng cụ, đồ dùng trong thực tế.
Theo cô Đậu Thị Huế, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), các thầy cô có thể chủ động liên hệ kiến thức đang học với tình huống thực tế giúp HS nhớ lâu như học đơn vị tính trọng lượng thì liên hệ việc cân hành lý ở sân bay, quá số kilôgram quy định phải trả thêm phí; học đơn vị đo độ dài thì liên hệ quy định chiều cao khách tham quan khi mua vé vào cổng khu vui chơi…
Phát triển dạy học theo chủ đề
Đối với lớp 6, Bộ GD-ĐT đã trao quyền chủ động cho nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo yêu cầu thực hiện nội dung cốt lõi của chương trình, đồng thời ứng phó linh hoạt với tình hình phòng chống dịch ở địa phương. Trong đó, trường học ưu tiên triển khai trực tuyến các nội dung mang tính lý thuyết, tận dụng thời gian các em đến trường học trực tiếp để triển khai các hoạt động thực hành, thí nghiệm, kết hợp ôn tập và củng cố kiến thức cho HS.
Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho rằng, yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả triển khai Chương trình GDPT 2018 là kỹ năng giảng dạy của giáo viên. Người dạy không chỉ đóng vai trò truyền thụ mà giúp HS xâu chuỗi kiến thức, tìm mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn, qua đó nâng cao khả năng thực hành. Trải qua nhiều lần trường học tạm đóng cửa vì dịch bệnh, các trường đã ý thức hơn tầm quan trọng của việc trang bị kho học liệu dùng chung cho giáo viên.
Sau hơn một học kỳ dạy học trực tuyến, đại diện các trường cho biết, quyết định cho HS trở lại học trực tiếp là “cơ hội vàng” cho giáo viên triển khai các phương pháp dạy học chương trình mới. Nhiều dự án học tập đã tái khởi động ở các trường THCS theo hình thức mới như xây dựng bảo tàng thu nhỏ ở sân trường, tìm hiểu ý nghĩa ngày tết cổ truyền qua mô hình tiểu cảnh ở sân trường… tạo không khí học tập sôi nổi cho HS.
Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, dựa vào mục tiêu giáo dục của từng môn học, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp năng lực tiếp nhận của từng nhóm đối tượng HS.