Một lần nữa, những khó khăn trong việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại được đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nêu ra tại một cuộc họp mới đây. Điều này cho thấy, khả năng hoàn thành việc CPH sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Lại vướng mắc… chính sách
![]() |
Theo TCT Thép Việt Nam, trong điều kiện khó khăn hiện nay của nền kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán… và dự báo khả năng phục hồi của nền kinh tế chưa khả quan, việc thoái vốn cần có cơ chế đặc thù.
Theo Điều 21 Nghị định 58 về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng là hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Vì vậy để thực hiện được lộ trình thoái vốn theo kế hoạch đề ra, TCT này cần được áp dụng cơ chế đặc thù là không phải thực hiện theo quy định này. Nguyên nhân do TCT và một số công ty con không thỏa mãn điều kiện này.
Còn theo TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), để tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc TKV hoặc đơn vị trực thuộc các TCT nhà nước trong TKV, hình thức CPH là phù hợp, sau đó tiến tới thoái dần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần sau CPH. Song việc CPH các chi nhánh, đơn vị trực thuộc lại không được phép thực hiện theo quy định tại Nghị định 59 về CPH DNNN.
Bên cạnh đó, để triển khai các dự án trọng điểm trong TKV có quy mô vốn đầu tư lớn, sử dụng nhiều lao động (như các dự án về khoáng sản, bauxite…), theo trình tự ban đầu phải thành lập các đơn vị trực thuộc TKV để triển khai đầu tư, vận hành dự án. Khi dự án đi vào hoạt động có hiệu quả sẽ tiến hành xã hội hóa các dự án đầu tư này bằng cách CPH các chi nhánh, đơn vị trực thuộc được thành lập.
Tuy nhiên, việc này sẽ không thực hiện được do quy định không được CPH các đơn vị trực thuộc công ty mẹ. Nếu chuyển các đơn vị này sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, sau đó mới CPH lại vướng quy định của Nhà nước về thành lập công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Còn nếu lập công ty cổ phần ngay từ đầu để quản lý các dự án trọng điểm này lại ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và hiệu quả hoạt động của dự án trong những năm đầu đưa vào hoạt động.
Liên quan đến hoạt động thoái vốn, theo TKV, TĐ này đang tiến hành cơ cấu lại vốn đầu tư tại các doanh nghiệp. Theo đó sẽ tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại các đơn vị thương mại, dịch vụ…
Tuy nhiên, theo TĐ này trong quá trình triển khai đã gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, quy định của Nhà nước bắt buộc phải chuyển nhượng phần vốn theo nguyên tắc giá thị trường (đấu giá) và chuyển nhượng phải đảm bảo theo nguyên tắc định lại giá trị doanh nghiệp (thường cao hơn giá trị sổ sách). Trong khi đó chưa có quy định cụ thể về việc khi đấu giá không thành công được giảm giá khởi điểm bao nhiêu (mức giảm giá, bước giảm giá…) để đấu giá lại.
Không kịp thời gian
Việc thoái vốn các danh mục đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính của nhiều TĐ đang gặp nhiều khó khăn do thị trường tài chính ảm đạm; các quy định của Nhà nước về nguyên tắc bảo toàn vốn và chào bán chứng khoán ra công chúng chưa phù hợp với thực tiễn. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc tiến độ thoái vốn chậm, ít nhà đầu tư quan tâm, nhất là lĩnh vực kinh doanh đặc thù. |
TĐ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do phương án đổi mới và tái cơ cấu TĐ chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất và tâm lý người lao động. Trong khi đó, do tính chất đặc thù, khi đề án tái cấu trúc VNPT giai đoạn 2013-2015 được phê duyệt, thời gian còn lại để triển khai dự án không còn nhiều.
“Đề nghị Chính phủ khi phê duyệt đề án cần xem xét tổng thể phát triển để VNPT có thể triển khai ổn định trong khoảng thời gian nhất định, tránh tình trạng vừa triển khai đề án đã hết giai đoạn tái cấu trúc” - VNPT kiến nghị.
Theo ông Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Đảng ủy TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN), tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu tại một số đơn vị còn chậm. Nguyên nhân do việc ép tiến độ xây dựng đề án nên chưa lường hết những khó khăn. Có việc biết là khó, vướng mắc nhưng vẫn cứ trình trước, dẫn đến nhiều điểm nghẽn khó gỡ.
Kết luận 50 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (về đề án Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN) và Quyết định 929 (phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015) đã được ban hành 2 năm và chỉ còn 1,5 năm thực hiện. “Hiện nay, tâm lý phổ biến là thừa biết không thể thực hiện, hoàn thành đúng đề án trước 31-12-2015, vì trong quá trình triển khai còn có những bất cập chưa tháo gỡ được” - ông Cảnh nói.
Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho rằng gần đây sức mua giảm nhiều và SCIC phải đấu giá, hạ giá nhiều lần mới thoái được vốn.
“Nếu có hạn chế thì hạn chế một số ngành nghề và đề nghị nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để kêu gọi vốn ngoại, bởi vốn trong nước hạn chế. Theo lộ trình CPH, thoái vốn đến năm 2015, hoạt động này sẽ mạnh hơn, diễn ra ào ạt, để chuyển giao được số vốn lớn này cũng là cả vấn đề” - ông Học nói.