Đổi mới thương hiệu kéo sức mua

Trải qua một thời gian dài tiêu thụ hàng hóa khó khăn, một số doanh nghiệp (DN) đang tiến hành đổi mới thương hiệu và sản phẩm với kỳ vọng sẽ tạo được sự khác biệt và hấp dẫn được sức mua.

Trải qua một thời gian dài tiêu thụ hàng hóa khó khăn, một số doanh nghiệp (DN) đang tiến hành đổi mới thương hiệu và sản phẩm với kỳ vọng sẽ tạo được sự khác biệt và hấp dẫn được sức mua.

Sôi động sản phẩm mới 

 

So với các nhóm hàng tiêu dùng khác, năm nay là một năm khó khăn lớn về tiêu thụ của nhóm hàng dệt may. Vì vậy, một số DN trong ngành đang đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới để cải thiện doanh thu.

Theo ông Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiên Sa, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nên thường chuộng những mặt hàng giá rẻ, chất lượng tốt. Vì vậy, ngoài các sản phẩm chăn, ga, gối, nệm mang thương hiệu Edena đã được biết đến từ lâu, Vạn Thiên Sa quyết định nghiên cứu và tung ra dòng sản phẩm mang thương hiệu Cuscino với giá thấp hơn dòng sản phẩm Edena khoảng 30%.

Mới đây, Tổng công ty May Việt Tiến giới thiệu dòng sản phẩm may như chăn, ga, gối, dép vải, khăn các loại mang thương hiệu Camellia hướng đến nhu cầu tiêu dùng cao cấp lâu nay vẫn nằm trong tay các thương hiệu ngoại.

Dù mới được tung ra và chủ yếu hướng đến thị trường nội địa nhưng các sản phẩm mang thương hiệu Camellia đã lập tức nhận được sự chú ý của nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài và hàng loạt hợp đồng đến các quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã được ký kết.

Song song đó, vì là thời điểm cận tết, các DN ngành thực phẩm đẩy mạnh chiến lược phát triển sản phẩm mới, độc đáo và lạ để thu hút khách hàng. Theo bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức, ngoài những dòng sản phẩm bánh mứt thông thường, công ty vừa giới thiệu ra thị trường dòng mứt cà chua bi và mứt mãng cầu ít đường với giá 150.000-180.000 đồng/kg để kích thích tâm lý thích được sử dụng sản phẩm mới lạ của người tiêu dùng.

Trên thị trường nước giải khát, Công ty Nước giải khát Tân Quang Minh cho biết nhu cầu tiêu thụ nước dừa tại Việt Nam đang ngày càng tăng, không chỉ người tiêu dùng trong nước mà khách du lịch nước ngoài cũng rất ưa chuộng. Dựa trên yếu tố đó, Tân Quang Minh đã nghiên cứu và đang chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm nước dừa đóng lon. Với nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng lại chưa có đơn vị nào sản xuất những sản phẩm tương tự nên Tân Quang Minh rất tự tin sẽ có được sức tiêu thụ tốt.

Là một đơn vị thường xuyên cải tiến, đổi mới sản phẩm, Saigon Food cũng đã đưa ra 3 loại cháo dinh dưỡng nấu sẵn là cháo cá hồi, cháo tôm, rong biển và cháo hạt sen dạng lỏng có thể dùng ngay. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, những sản phẩm này hoàn toàn không chứa chất bảo quản, không sử dụng chất tạo mùi thực phẩm và được đóng gói màng nhôm có thể trữ trong vòng 6 tháng. Sau một thời gian ngắn thăm dò, hiện sản phẩm đã được bán rộng rãi trên thị trường.

Đầu tư bài bản

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, sức mua yếu khiến lượng hàng tiêu thụ sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, việc đầu tư cho sản phẩm mới cũng gây không ít khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, các DN đã nỗ lực không ngừng, lách vào những phân khúc còn bỏ trống để khai thác nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.

Theo một phó giám đốc của Tổng công ty may Việt Tiến, khi kinh tế càng khó khăn người tiêu dùng càng khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm. Một sản phẩm giá cao nhất thiết phải đảm bảo được chất lượng và có những nét thu hút đặc biệt mới có thể dễ dàng tiêu thụ.

Do vậy, nhiều DN dù khó cũng đã phấn đấu đầu tư nhóm sản phẩm mới, thiết bị công nghệ mới để tạo cú hích, thu hút sự chú ý của khách hàng. Để cho ra đời dòng sản phẩm mới Camellia, Việt Tiến đã đầu tư xây dựng một nhà máy với máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại tại Cần Thơ. Nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đều được nhập từ nước ngoài.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, nhận định xu hướng tiêu dùng hiện nay đang hướng đến những sản phẩm độc đáo, mới lạ nên nếu tung ra những sản phẩm này, các DN sẽ nhanh chóng tạo được ấn tượng trong mắt người tiêu dùng. Mặc dù cháo là món ăn gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam nhưng để sản xuất, Saigon Food cũng phải sang Nhật nhập khẩu công nghệ sản xuất và bỏ ra 2 năm để nghiên cứu khẩu vị và độ dinh dưỡng cần thiết để sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất, được người dân tin dùng.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới, ông Đỗ Phú Lợi, Giám đốc công ty Định Phú Mỹ, cho biết khi muốn tung ra sản phẩm mới, DN phải có chiến lược cụ thể và mục tiêu rõ ràng để đảm bảo người tiêu dùng sẽ chấp nhận sản phẩm. Hiện nay, nhu cầu chi tiêu của người dân không thoải mái như trước nên các sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý sẽ dễ dàng được đón nhận hơn.

Tuy nhiên, muốn phát triển sản phẩm mới, DN sẽ phải đầu tư không nhỏ. Chỉ với việc cho ra đời dòng sản phẩm bột cốt dừa Định Phú Mỹ, công ty đã phải nghiên cứu gần 1 năm, mua nhiều sản phẩm dừa trong và ngoài nước về chế biến thử để so sánh chất lượng, tìm ra nguồn nguyên liệu tốt nhất. Đến khi chọn được nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, sản phẩm mới được sản xuất quy mô lớn và tung ra thị trường.

Trước đó, một hệ thống dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động đã được nhập về từ châu Âu với tổng vốn đầu tư lên đến 22 tỷ đồng. Nhằm cắt giảm chi phí, tạo ra mức giá tốt nhất, nhà máy được đặt ngay vùng nguyên liệu và thu mua khoảng 100.000 trái dừa tươi mỗi ngày để ép lấy nước cốt và cô đặc thành sản phẩm.

Theo các DN, mặc dù vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và chưa thể dự đoán thành công của sản phẩm mới đến đâu, nhưng phát triển sản phẩm mới là một giải pháp để DN có thể tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Các tin khác