Từ gạch, xi măng...
Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH SCG xi măng - vật liệu xây dựng (thành viên Tập đoàn SCG của Thái Lan) đã hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn cổ phần, tương đương 156 triệu USD, từ các cổ đông hiện tại của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng VN (VCM) tại miền Trung.
Trước đó, vào năm 2012, thương vụ mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group với giá trị khoảng 240 triệu USD, trị giá gần 5.000 tỉ đồng, đã giúp SCG trở thành đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất thế giới vào năm 2012. Hai năm sau đó, SCG đã chi thêm 61,17 triệu USD để mua tiếp 15% cổ phần còn lại của Prime Group.
Liên quan đến mảng vật liệu xây dựng, SCG cũng đã mua lại Công ty sản xuất xi măng Bửu Long tại tỉnh Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu USD để nâng công suất lên 200.000 tấn xi măng/năm. Đại diện Tập đoàn SCG đã từng công bố đầu tư hàng trăm triệu USD vào VN với nhiều dự án khác nhau và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án khác để nâng số tiền đầu tư lên đến 1 tỉ USD.
Hàng loạt thương vụ mua lại các doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng đã diễn ra thời gian qua còn có thể kể đến như Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) cũng đã chi hàng trăm triệu USD để nắm giữ 65% phần vốn tại Công ty Holcim VN; Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) năm 2013 mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD dù lúc đó đơn vị này đang bị lỗ 127 tỉ đồng...
Lợi nhuận vào túi khối ngoại
Khi các thương hiệu nội chuyển sang tay nhà đầu tư ngoại đa phần đều được mở rộng sản xuất, đẩy mạnh hoạt động nên đều đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng. Ví dụ Prime được đánh giá là thương hiệu dẫn đầu trên thị trường gạch ốp lát của VN. Ở thời điểm bán cho nhà đầu tư ngoại, Prime đã nắm được khoảng hơn 20% thị phần tại VN và có 6 nhà máy sản xuất gạch.
Đặc biệt, công ty này cũng có hệ thống bán lẻ và sản phẩm có mặt ở hầu hết cửa hàng vật liệu xây dựng trên cả nước. Ngay sau khi mua Prime, SCG đã nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng sản phẩm như ngói, bình nước nóng... Nhờ vậy các chỉ tiêu kinh doanh tại Prime được cải thiện rõ rệt và thương hiệu này càng khẳng định chắc chắn với thị phần gia tăng lên gần 30%.
Năm 2014, DN đạt doanh thu 5.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.200 tỉ đồng, tăng 350 tỉ đồng so với năm 2013. Từ đó giúp cho doanh thu của Tập đoàn SCG tại VN năm 2014 cũng tăng 20% so với trước đó và trở thành DN sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thế giới. Tiếp tục trong năm 2015, Tập đoàn SCG công bố doanh thu của Prime Group tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014 nhờ hiệu quả kinh doanh ngành gạch men.
Ông Trần Văn Huynh, nguyên Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN, nhận định việc mua bán sáp nhập là tự nhiên trên thị trường. Thậm chí đây còn là một lối thoát cho các DN trong nước khi bị thua lỗ, quản trị yếu kém. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành vật liệu xây dựng nói chung, đặc biệt như gốm sứ và xi măng đều khai thác tài nguyên khoáng sản trong nước. Hơn nữa, các loại tài nguyên này không thể tái tạo được.
Vì vậy, khi nước ngoài mua lại các DN trong nước thì đương nhiên họ khai thác tài nguyên để hưởng lợi. Chẳng hạn như Prime bán cho Thái Lan thì gần như DN ngoại chiếm lĩnh được gần hết thị trường gạch ốp lát VN.
Hoặc như việc Holcim bán đi sẽ là một thiệt hại to lớn cho ngành xi măng. Bên cạnh đó, một số nhà máy vật liệu xây dựng đã được hình thành lâu ở những vị trí đắc địa cả về du lịch lẫn quốc phòng nên nguy cơ không chỉ tác động về kinh tế mà cả môi trường, xã hội.
“Không những bị hao tổn về tài nguyên khoáng sản mà còn bị tiêu hao điện, than trong khi phải nhập khẩu các loại nhiên liệu này. Dù biết là thị trường thuận mua vừa bán nhưng cần có vai trò quản lý của nhà nước và có định hướng rõ DN nào được bán, DN nào nên giữ lại và củng cố phát triển... để đảm bảo hài hòa được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Trần Văn Huynh nói.