Thị trường bất động sản là 'phép thử' của cải cách

(ĐTTCO) - Đây là nhận xét của đa số các chuyên gia tại diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới” do Tạp chí Nhà Quản trị (TheLEADER) tổ chức vào chiều 3-7,tại Hà Nội.

Thị trường bất động sản là 'phép thử' của cải cách

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS chính là một “phép thử” cho năng lực cải cách thể chế, năng lực quản lý, cũng như tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế tư nhân. Trong kỷ nguyên tái cấu trúc quốc gia, từ mô hình hành chính, quy hoạch không gian, đến phương thức quản trị, thị trường BĐS không chỉ là nơi đón nhận các dòng vốn, mà còn là thước đo về độ sâu cải cách và minh bạch hóa.

a-cao-cuong-1417.jpg
Ông Nguyễn Cao Cương

Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng Biên tập Tạp chí TheLEADER cho biết, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Quá trình này đi kèm với những cải cách thể chế mạnh mẽ, tái cấu trúc không gian phát triển quốc gia, chuyển đổi mô hình kinh tế và chiến lược công nghệ. Đặc biệt, việc định danh rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như một "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế đã mở ra một làn gió mới, tạo cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Một trong những điểm nhấn quan trọng được ông Cương chỉ ra là việc Chính phủ ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Hơn 1.500 dự án đã được đưa vào danh sách rà soát, thúc đẩy triển khai; nguồn vốn đầu tư công được đẩy nhanh cho các dự án hạ tầng nhằm tạo động lực lan tỏa.

tran-dinh-thien-1-1442.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên

Đáng chú ý, Việt Nam đang bước vào ngày thứ ba thực hiện cuộc cải cách hành chính và không gian phát triển tầm quốc gia: sáp nhập tỉnh, giảm số lượng đơn vị hành chính từ 63 xuống 34. Việc tổ chức lại không gian phát triển quốc gia không chỉ mang ý nghĩa về hiệu quả quản trị mà còn mở ra một loạt cơ hội đầu tư mới, trong đó BĐS đóng vai trò trụ cột.

Phân tích sâu về bối cảnh này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nhận định, thị trường BĐS đang đứng trước dư địa phát triển rất lớn, song cũng đối mặt với không ít rủi ro nếu không quản lý tốt.

Ông Thiên dẫn chứng: “Trong 30 năm qua, thị trường bất động sản cứ sốt đất, đóng băng rồi hồi phục mỗi 5-7 năm. Nhưng có lẽ không có thị trường nào ‘bốc khói bốc lửa’ mạnh như thị trường BĐS”. Vị chuyên gia này phân tích, ngay kể cả trong những giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp BĐS cũng thường xuyên có sự gắn kết, tổ chức các cuộc họp để bàn đưa ra giải pháp tháo gỡ, nhờ đó thị trường bước qua được những giai đoạn trồi sụt.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng cảnh báo, nếu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế lên đến hai chữ số mà không kịp thiết kế chính sách ứng phó, thì thị trường BĐS vốn nhạy cảm và mang tính đầu cơ cao thì có thể đối mặt với nguy cơ “bong bóng” hoặc sụp đổ.

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tiếp tục khẳng định những cơ hội lớn mà thị trường đang có.

nguyen-van-dinh-1-1707.jpg
TS. Nguyễn Văn Đính

Thứ nhất, toàn hệ thống chính trị đang chuyển đổi tư duy, từ vai trò Nhà nước đến vai trò tư nhân, từ mô hình phát triển cũ sang chú trọng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai, vấn đề thể chế vốn được Tổng Bí thư gọi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đang được tháo gỡ quyết liệt.

Việc Quốc hội thông qua hàng loạt luật mới, bổ sung bằng các nghị quyết mang tính tình huống trong năm 2024 đã phần nào chứng minh sự chuyển động mạnh mẽ của thể chế. Cùng với việc tổ chức lại bộ máy, sáp nhập các tỉnh, nền kinh tế đang bước vào chu kỳ phát triển khác biệt hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng thị trường BĐS hiện vẫn đối mặt với không ít thách thức cần được nhận diện và xử lý một cách căn cơ.

Trước hết là vấn đề thể chế chưa hoàn thiện, khi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS vẫn tồn tại nhiều bất cập, cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, tình trạng giá đất tăng cao một cách bất hợp lý do sai lệch trong định giá đang tạo nguy cơ "bong bóng", gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân. Năng lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, thị trường vốn và tài chính lại chưa phát triển đầy đủ, khiến doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn.

Thêm vào đó, sự bất ổn từ quy hoạch và công tác dự báo, thiếu thông tin minh bạch, quy hoạch còn chắp vá, đã dẫn đến tình trạng lệch pha cung - cầu ở nhiều khu vực.

Một vấn đề khác cũng cần đặc biệt quan tâm là năng lực quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, còn hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường.

Cuối cùng, theo các chuyên gia, thị trường BĐS chính là một “phép thử” cho năng lực cải cách thể chế, năng lực quản lý, cũng như tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế tư nhân.

Các tin khác