Đối phó như thế nào với những dấu hiệu khác thường của lạm phát?

(ĐTTCO) - 10 năm liền Việt Nam luôn kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Khả năng này có thể vẫn tiếp nối trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến lo ngại về việc lạm phát cơ bản trung bình năm 2023 ở mức cao.

Đối phó như thế nào với những dấu hiệu khác thường của lạm phát?

Kịch bản nào cho năm 2024

Hầu hết chuyên gia dự đoán lạm phát năm 2024 sẽ dưới 4%, tức vẫn trong tầm kiểm soát. Về mức tăng CPI bình quân 2024 so với 2023, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, dự báo 3,3-3,5%; PGS.TS Ngô Trí Long dự báo 3,5-3,6%; TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo 3,6-3,8%.

Các dự báo được đưa ra trên cơ sở dự báo áp lực lạm phát từ thế giới giảm, giá nhiên liệu giảm và Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thị trường bất động sản vẫn yên ắng, xuất khẩu tăng trưởng ở mức vừa phải, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới khó tăng mạnh...

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối cao, xuất siêu, nợ công thấp... cũng giảm áp lực lạm phát. Công tác điều hành giá trong năm 2023 đã có sự chủ động về dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản.

Dự báo mạnh mẽ nhất là của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, khi cho rằng lạm phát 2024 chỉ ở mức 3% (+/-0,5%).

“Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%. Như thế, nền kinh tế trong năm 2024 vẫn hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, môi trường tiền tệ - tỷ giá đang ở mức trung tính, sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024” - ông Độ dự báo

Các dự báo cùng nhận định áp lực lạm phát đang giảm dần, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát rất tốt. “Đã 10 năm liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan khi tình hình thế giới vẫn có biến động phức tạp, khó lường, lạm phát vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Ông Ngô Trí Long lưu ý: “Là nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý. Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả”.

Những điểm khác thường

“Lạm phát trung bình năm 2023 được kiểm soát tốt ở mức 3,25%. Nhưng lạm phát cơ bản bình quân, hay còn gọi là lạm phát lõi, lại tăng tới 4,16% so với năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua và đó là sự bất thường” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Ngô Trí Long, sau khi nhấn mạnh lạm phát là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023, cũng nhắc đến lạm phát lõi đang ở mức cao. Theo đó, mức lạm phát cơ bản năm 2023 của Việt Nam (gần giống với lạm phát lõi tại các nước) ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, gây áp lực lên lạm phát chung.

Với lạm phát 2024 ở mức dưới 4%, là điều kiện thuận lợi để thực thi chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, chính sách tiền tệ nới lỏng, để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh phải hạn chế xu hướng tăng cao của lạm phát cơ bản, bởi đây là chỉ báo quan trọng về xu hướng dài hạn của lạm phát trong tương lai, là thông tin đầu vào quan trọng cho quá trình hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá cả và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Nếu lạm phát cơ bản cao và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lãi suất, sự ổn định của hệ thống tài chính cũng như tăng trưởng kinh tế.

Một số chuyên gia khác lưu ý diễn biến lạm phát đang có những điểm khác thường. “Mọi năm CPI bình quân cao hơn lạm phát cơ bản. Nhưng hiện nay lạm phát cơ bản lại cao hơn CPI bình quân. Đó là điểm khác thường phải chú ý, nếu để kéo dài sẽ gây ra những quan ngại” - TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Điểm khác thường nữa là nhiều giá hàng hóa giảm nhưng lạm phát lại cao, điều chưa từng xảy ra trong mấy chục năm qua. Sở dĩ giá hàng hóa chung giảm nhưng lạm phát cao, vì trong giá hàng chung giá lương thực cao, tỷ trọng giá lương thực trong rổ hàng hóa nhiều nên làm lạm phát cao.

Chưa hết, khi lạm phát thế giới cao tới 6%, lạm phát trong nước được kiểm soát ở mức 3,25%, và khi lạm phát bình quân thấp (3,25%), lạm phát cơ bản bình quân so với cùng kỳ lại cao (4,16%). Giá năng lượng, giá dầu thế giới tăng, giá điện nếu tính đủ phải tăng, nhưng Nhà nước đang thực hiện các biện pháp điều hành giá, ổn định giá.

Vì thế theo TS. Lê Quốc Phương giá năng lượng trong rổ tính CPI là “giá giả”, do Nhà nước cố gắng kiềm chế, không phản ánh giá thật của thị trường, nên lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giải thích thêm việc lạm phát cơ bản cao hơn lạm phát CPI, bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết: “Rổ hàng hóa tính lạm phát cơ bản được dựa trên rổ hàng hóa tính CPI (gồm 86 nhóm hàng), nhưng loại trừ 16 nhóm hàng mang yếu tố biến động tạm thời như lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và giá do Nhà nước quản lý (dịch vụ y tế và giáo dục).

Trong năm 2023 giá một số nhóm hàng hóa bị loại trừ này lại giảm mạnh. Chẳng hạn, giá xăng dầu bình quân trong nước giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94%. Vì vậy, lạm phát cơ bản cao hơn lạm phát CPI.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, con số 4,16% là mức lạm phát cơ bản bình quân năm 2023, không phản ánh được xu hướng giảm lạm phát cơ bản so với cùng kỳ, từ mức 5,21% vào tháng 1-2023 xuống còn 2,98% vào tháng 12-2023.

Trên thực tế, tính trung bình, giá cả trong rổ hàng hóa tính lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,25%/tháng trong năm 2023. Đây là mức bình thường và có khả năng sẽ thấp hơn trong năm 2024. Với CPI luôn được kiểm soát tốt, giữ ở mức dưới 4%, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng rủi ro vẫn còn. Để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cần sử dụng tổng hòa các giải pháp.

Các tin khác