Dùng phân hữu cơ để giảm giá thành
Giá phân bón liên tục tăng từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là đợt tăng mạnh sau chiến sự Nga - Ukraine khiến nông dân khốn đốn.
Ông Hoàng Văn Nhịt, chủ vườn vải ở thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng (H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), cho hay cùng thời điểm này năm ngoái, giá đạm u rê chỉ có 7.800 - 8.000 đồng/kg nhưng nay đã nhảy lên 18.000 - 19.000 đồng/kg; phân lân NPK trước chỉ hơn 300.000 đồng/tạ thì nay giá đã vọt lên hơn 600.000 đồng/tạ. “Chưa biết mùa vải năm nay tiêu thụ ra sao nhưng hạch toán theo giá phân bón hiện giờ thì vải phải bán với giá 13.000 đồng/kg thì mới gọi là lấy công kiếm chút lãi”, ông Nhịt nói.
Khảo sát tại vùng trồng vải ở Bắc Giang, hầu hết nông dân đang chịu áp lực rất lớn khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nên đầu ra của quả vải dự báo còn bấp bênh, trong khi cây vải đang vào giai đoạn cần chăm sóc đúng lúc giá phân bón lập đỉnh lịch sử.
Tuy vậy, đối với Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải (H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), để giảm chi phí sản xuất, vài tháng nay, các hộ dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, bằng một nửa so với phân bón vô cơ. “Cây ăn quả thì không thể không dùng phân vô cơ nhưng chúng tôi chỉ chọn lựa những loại cần thiết nhất, còn lại đều từng bước chuyển đổi sang các loại phân hữu cơ thay thế. Hợp tác xã đang thí điểm một số vườn để chuyển đổi canh tác hữu cơ”, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải, cho hay.
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, ứng phó với giá phân bón vô cơ tăng quá cao ảnh hưởng đến sản xuất vụ vải năm 2022, ngay từ đầu vụ đơn vị này có khuyến cáo địa phương tuyên truyền người dân sử dụng một phần phân vi sinh và vô cơ. Trong đó, cán bộ chuyên môn ở địa phương sẽ tư vấn các nhà vườn nên chọn phân bón nào, liều lượng ra sao để quả vải phải đạt chất lượng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, cũng như tiêu thụ ở trong nước.
Tính kế giảm phụ thuộc
Bộ Công thương tuần trước đã có báo cáo đánh giá tác động các mặt hàng phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước, trước những diễn biến bất thường của thị trường thế giới, trong đó có những nhận định đáng chú ý đối với mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Công thương, hiện VN đã tự chủ được u rê, lân, NPK và nguồn u rê cho xuất khẩu có thể đáp ứng được 300.000 tấn/năm. DAP và MAP thì đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước, chỉ có kali và SA là trong nước chưa sản xuất được, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Do đó, cơ quan này lo ngại việc Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu NH4NO3 cùng với xung đột ở Ukraine có thể tác động lớn tới giá phân bón. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí đầu vào (khí, than) tăng cao. “Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá các loại phân bón trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới”, Bộ Công thương nhận định.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), cho biết bộ này cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT đánh giá lại cung cầu trong nước để tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. “Yếu tố mà chúng tôi lo ngại là chủ yếu nguồn nhiên liệu than, khí chạy máy cho các nhà máy, khiến các nhà máy không thể chạy đủ công suất, chứ nếu đủ thì không đáng ngại”, ông Thanh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn hóa chất (Tập đoàn có các nhà máy Đạm Hà Bắc, Ninh Bình, Phân bón Bình Điền, miền Nam, phân lân Văn Điển, Lâm Thao… chiếm khoảng 35% thị phần nội địa), cũng trấn an rằng không thiếu hàng. “Dù các doanh nghiệp trong nước đang tranh thủ xuất khẩu một phần là vì được giá khi giá FOB (giá bán tại cảng - NV) xuất khẩu đã cao hơn giá trong nước hơn 5 triệu/tấn. Nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhà nước chi phối, nên các công ty phân bón đã tính toán, để thực hiện được nhiệm vụ làm sao vẫn đảm bảo được cho sản xuất trong nước”, ông Cường nói.
Trong khi đó, theo phân tích của Sở Giao dịch hàng hóa VN (MXV), nhiều khả năng Nga sẽ gia hạn việc cấp hạn ngạch xuất khẩu phân bón cho tới cuối năm nay thay vì chỉ đến tháng 5. Điều này sẽ khiến giá phân bón tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali. “Ở VN, nguồn cung DAP chưa ổn định, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn khi Nga thắt chặt nguồn cung, trong khi tồn kho nội địa với giá vốn thấp đang ngày một ít dần. Gieo trồng vụ lúa đông xuân hiện nay đang bước vào giai đoạn bón thúc giúp cho cây trồng đầy đủ dinh dưỡng để phát triển. Ngô cũng vào thời kỳ cần nhiều phân bón nên dự báo giá phân bón sẽ còn tăng trong quý 2”, MXV nhận định.
TS Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN, cho rằng kinh nghiệm cho thấy với 4 nhà máy sản xuất u rê hiện nay, VN có thể chủ động và vượt qua các đợt thiếu và tăng giá phân bón. Song nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản xuất các loại phân bón, nhất là phân bón kali, SA vẫn đang phụ thuộc vào nước ngoài, cũng như các loại phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ
TS Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN, dẫn một thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), cho biết nông dân VN đang lạm dụng phân bón vô cơ. Theo FAO, mức sử dụng trung bình phân vô cơ của thế giới chỉ có 135 kg/ha, còn ở VN là 460 kg/ha. “Nhiều chuyên gia cho rằng số liệu của FAO có sự khác biệt khi tính toán số vụ canh tác trong một năm nhưng dù tính theo cách nào thì mức sử dụng phân vô cơ ở nước ta vẫn ở mức cao”, ông Hà nói và cho biết bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón một cách hợp lý, tiết kiệm. Giá phân bón vô cơ tăng cao sẽ thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế hợp lý một phần phân vô cơ.