Đối thủ xuất khẩu dính loạt 'bê bối', cơ hội cho tôm Việt?

(ĐTTTCO) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động có thể là những cơ hội cho tôm Việt Nam. 

Đối thủ xuất khẩu dính loạt 'bê bối', cơ hội cho tôm Việt?

VASEP dẫn thông tin từ Dự án Đại dương ngoài vòng pháp luật (OOP) công bố trong một báo cáo vào 20-3. Theo đó, Choice Canning, một nhà đóng gói và kinh doanh tôm Ấn Độ, đang là tâm điểm của hàng loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh và ngược đãi công nhân.

Trước thông tin trên, Choice Canning cũng đã lên tiếng phản hồi từng cáo buộc và cho rằng các cáo buộc trên là không đúng.

Báo cáo OOP được công bố cùng ngày với một báo cáo riêng của tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability Lab (CAL) của Mỹ về ngành tôm Ấn Độ. Theo báo cáo của CAL, vấn nạn lao động nô lệ, lao động trẻ em, cùng nhiều hình thức bóc lột khác, gây tổn hại môi trường đang tràn lan trong ngành tôm trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ.

Các cuộc điều tra và phỏng vấn thực địa kéo dài nhiều năm của CAL cung cấp một số tài liệu đầu tiên về các hành vi lạm dụng lao động và gây hại đến môi trường ở mức độ nguy hiểm và phổ biến trong ngành tôm Ấn Độ. Đáng chú ý, trong đó có cả những sản phẩm tôm đã được chứng nhận có trách nhiệm với xã hội và môi trường bởi các chương trình chứng nhận lớn trong ngành.

Tiếp theo báo cáo của CAL là một bài báo trên Associated Press cũng đưa ra những cáo buộc về những “lùm xùm” của ngành tôm Ấn Độ.

VASEP cho biết thêm, ngành tôm Thái Lan cũng từng gặp rất nhiều áp lực trong năm 2015 và 2016 khi báo cáo của AP về lao động nô lệ và trẻ em trong ngành chế biến tôm nước này được cho là diễn ra phổ biến.

Hồi tháng 10-2023, Trung Quốc cũng đối mặt với cáo buộc. Cáo buộc này xuất phát từ một bài báo đăng tải kèm video của tổ chức phi chính phủ The Outlaw Ocean Project (OOP) kết hợp với Tạp chí The New Yorker (Mỹ). Theo đó, bài báo khẳng định một số nhà máy chế biến thủy sản Trung Quốc đã sử dụng nhân công không tình nguyện từ Uyghur (một sắc tộc người Turk sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc), những người này đã bị buộc làm việc trong môi trường tương đương như lao động cưỡng bức.

Bài báo đã nhanh chóng khiến một số nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu tạm dừng đơn hàng từ một số nhà cung ứng Trung Quốc có tên trong danh sách cáo buộc. Ngày 13-10-2023, Lund’s Fisheries, một công ty khai thác và chế biến mực, sò điệp và nhiều loại cá biển khác có tên tuổi tại Mỹ đã thông báo dừng hợp tác với một nhà cung ứng hải sản Trung Quốc được nêu tên trong bài báo.

Một nhà bán lẻ lớn khác của Mỹ, Albertsons Companies, cũng cho biết đã rút hai sản phẩm của High Liner, bao gồm cá bơn và cá hồi nâu. Bản thân High Liner đã ngừng làm việc với nhà cung ứng Trung Quốc sau khi cáo buộc liên quan tới lao động ở Uyghur được công bố. Công ty bán lẻ Aldi và Lidl của Đức cho biết họ tin nội dung của bài báo và cũng đã chấm dứt quan hệ với các nhà máy chế biến Trung Quốc.

Tháng đầu năm 2024, tôm Ecuador cũng bị “soi” tại thị trường Trung Quốc sau khi blogger Wang Hai, vốn được mệnh danh là chuyên gia chống hàng giả, đã “vạch trần” tôm Ecuador được bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.

VASEP nhận định, có thể đây cũng là những cơ hội cho tôm Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, cảnh báo trên chứng tỏ thế giới đang rất quan tâm và ngày càng giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến lao động, lạm dụng trẻ em trong ngành thủy sản.

Để tránh những rủi ro và nguy cơ có thể xảy ra, các DN tôm nói riêng cũng như DN thủy sản nói chung cần thận trọng và đặc biệt tuân thủ các quy định về lao động, lao động nghề cá, công ước của Việt Nam cũng như công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). DN cũng cần nắm bắt kịp thời thông tin từ các thị trường NK để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.

Các tin khác