Đón đọc ĐTTC bộ mới số 268 phát hành thứ hai ngày 26-5

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 268 phát hành ngày 26-5-2025 với nhiều chuyên mục:

b1.jpg

- Khi tư nhân được giải phóng nỗi sợ hãi: Nghị quyết 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành được ví như một Nghị quyết chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam hiện đại, về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm “giải phóng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân”. Nghị quyết lần này không chỉ thay đổi chính sách, mà thay đổi quan hệ. Nhìn tư nhân không còn là đối tượng quản lý, mà là đối tác cùng kiến tạo. Tư duy “kiểm tra - phát hiện - xử phạt” chuyển sang “đồng hành - hỗ trợ - cùng phát triển”. Lần đầu tiên, doanh nghiệp được nói rõ, nếu vi phạm về kinh tế trước tiên sẽ được khuyến khích tự khắc phục bằng biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính. Hình sự là bước cuối cùng và không được hồi tố. (Minh Phong)

- TPHCM chuẩn bị đón xã hội già như thế nào?: Mới đây nhất, Nhật Bản công bố một con số kinh hoàng gây sốc cho toàn thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản năm 2024, nước này đã ghi nhận hơn 76.000 người già qua đời trong cô đơn tại nhà riêng, đa phần là mất vài ngày mới được phát hiện. Trong số này, người trên 65 tuổi chiếm đến 76%. Đáng chú ý, có hơn 14.000 trường hợp là người trên 85 tuổi - nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong con số thống kê. (TS. Nguyễn Minh Hòa)

- Sầu riêng không đạt chuẩn, giải cứu hay tiêu hủy?: Năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, sầu riêng trở thành “ngôi sao” của nông sản Việt Nam. Thế nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng lại đang sụt giảm mạnh và chưa biết cú trượt dài này sẽ kéo dài đến khi nào. (Đức Mạnh)

- Kỳ vọng Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị có nhiều căn cứ để cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng vào một quá trình thực thi hiệu quả hơn so với trước đây. Nghị quyết cần có cơ quan giám sát độc lập. Bởi một cơ quan độc lập, am hiểu, có chuyên môn và gắn bó với cộng đồng DN sẽ phản ánh chính xác hơn thực trạng và mức độ hưởng lợi thực tế của DN từ chính sách. Nếu giao trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương tự đánh giá chưa chắc phản ánh đúng thực tiễn triển khai. Ngoài ra, nhóm giải pháp gắn trách nhiệm từng địa phương với việc thực hiện các mục tiêu cụ thể ví như mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân hay gắn trách nhiệm cụ thể cho từng bộ cũng cần được quan tâm. Cần giám sát và trách nhiệm, nếu được kết nối tốt sẽ là hai yếu tố đảm bảo cho Nghị quyết 68 được triển khai thực chất và hiệu quả. (Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

- Vai trò giám sát trong cơ chế hậu kiểm: Cơ chế quản lý nhà nước chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, là một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết 68/NQ-CP về phát triển kinh tế tư nhân. Cơ chế này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải rõ ràng và minh bạch các quy chuẩn để doanh nghiệp (DN) tuân thủ, nhưng cũng đồng thời cần xây dựng cơ chế dựa vào cộng đồng DN và người dùng để hậu kiểm đạt hiệu quả. (TS. Huỳnh Thanh Điền)

- Nỗi lo thuế hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Nếu 20% trong số hơn 5 triệu hộ kinh doanh tự tin chuyển lên doanh nghiệp (DN), thì Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu DN. Song để có được con số như vậy cần thêm những cơ chế ưu đãi đặc biệt, trong đó ưu tiên giải nỗi lo về thuế trên hành trình chuyển mình của các hộ kinh doanh. (Thanh Lâm)

- Việt Nam kỳ vọng có 20 chaebol như Hàn Quốc: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được xem là văn kiện mang tính bước ngoặt, nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đưa ra một tầm nhìn cụ thể cho việc phát triển khu vực tư nhân theo hướng nhanh, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu. (Nhóm chuyên gia Vinacapital)

- Chiến lược dài hạn thời thuế quan Trump 2.0: Chính sách thương mại thời Trump 2.0 đã đi xa khỏi các mô hình cổ điển. Thật khó để tin rằng nó là câu chuyện thặng dư hay nhập siêu. Những cơn thịnh nộ thuế quan từ các dòng Tweet của Trump cho thấy nó không còn là trật tự mà là thời đại của cảm xúc kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa. Thuế quan giờ là thứ để trừng phạt những ai làm nước Mỹ tổn thương bất kể vì lý do nào. (GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TPHCM)

- Chính sách thuế “hai mặt” của Mỹ: Giới chuyên gia nhận xét, dường như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rơi vào thế “kẹt” do chính sách thuế: Muốn duy trì việc gia hạn và mở rộng Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế (TCJA) năm 2017, thì Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ công tăng cao và tín nhiệm quốc gia bị suy giảm; trong khi đó tham vọng áp đặt mức thuế nhập khẩu cao lên các đối tác thương mại nhằm bù đắp cho ngân sách, lại khiến lạm phát tăng cao và gây phản ứng gay gắt từ doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. (Lưu Thủy)

- Dù kết quả thế nào, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư: Đại diện các doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam bày tỏ kỳ vọng vào kết quả tích cực từ những cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại mà hai bên đang tiến hành. Không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chính sách này, mà các DN Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Bởi các thành viên AmCham đã đầu tư hàng tỷ USD Mỹ vào Việt Nam, sử dụng hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp, đóng góp một phần đáng kể trong hoạt động xuất khẩu và doanh thu thuế của Việt Nam. (Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ AmCham tại Hà Nội)

- Tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất vào Mỹ: Qua nhiều bài phát biểu của ông Donald Trump, cho thấy mục tiêu của Mỹ muốn Việt Nam không đóng vai trò trung gian hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang Mỹ. Nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề đó sẽ giảm được áp lực thuế quan. Nhưng nền kinh tế Việt Nam không thể giải quyết vấn đề này một sớm một chiều được. Trong 120 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10 - 20 tỷ USD, còn lại khoảng 100 tỷ USD thuộc về việc nhập khẩu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện chúng ta đang đàm phán thuế quan với Mỹ, chắc chắn sẽ có giảm nhưng vấn đề là giảm ít hay nhiều. (PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TPHCM - UEH)

- Giá vàng khó lường, điều hành cách nào?: Từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường vàng trong nước liên tục ghi nhận các mức đỉnh lịch sử, theo sát xu hướng tăng nóng giá vàng thế giới. Điều đáng lo ngại là khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế ngày càng tăng, có thời điểm lên tới 17 - 18 triệu đồng/lượng. Vậy chính sách điều hành trong thời gian tới như thế nào? (Đỗ Linh)

- Fintech Việt nhìn từ thị trường các nước: Trong những năm gần đây, công nghệ tài chính (FinTech) đã nổi lên như một động lực mạnh mẽ, định hình lại bối cảnh tài chính toàn cầu. FinTech là sự giao thoa giữa tài chính và công nghệ, đã mang lại những đổi mới đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch hiệu quả, nhanh chóng và bảo mật hơn. Tại Việt Nam, thị trường FinTech đang chứng kiến sự phát triển sôi động với sự tham gia của nhiều công ty, còn các nước khác như thế nào? (TS. Vũ Đức Lợi, Trường Quản trị và Kinh Doanh - HSB)

- Kích hoạt đầu ra cho kiều hối: Kiều hối từ lâu đã là nguồn lực ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD trong 3 thập niên qua. Trước bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và nhu cầu vốn trong nước ngày càng lớn, việc “kích hoạt đầu ra” cho kiều hối trở thành một vấn đề được đặt ra. (Cát Tường)

- Nhà đầu tư “vừa đánh, vừa lo”: Gần đây, từ khóa “phân hóa” được nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhắc đến nhiều trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Chính sự không rõ ràng này khiến cho nhiều NĐT vừa đầu tư, vừa ngóng kết quả đàm phán. (Kim Giang)

- Cho thuê căn hộ ngắn hạn cần theo quy định pháp luật: Mô hình cho thuê căn hộ ngắn hạn tại các chung cư, đã gây nhiều bức xúc cho cư dân do tình trạng mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư (NĐT), dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn là quyền kinh doanh nên không thể cấm cản. (Bình Minh)

- Rạch Xuyên Tâm sẽ là kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè 2: Sau 20 năm mong đợi, cuối cùng người dân sinh sống tại khu vực quận Bình Thạnh và Gò Vấp sắp được chứng kiến sự "thay da, đổi thịt” của rạch Xuyên Tâm, một trong những rạch ô nhiễm nhất nhì TPHCM. (Đình Dư)

- Nút giao An Phú trễ hẹn đến bao giờ?: Nút giao An Phú được khởi công năm 2022, với hy vọng gỡ được “nút thắt” cho cửa ngõ phía Đông của TPHCM. Đến nay sau gần 3 năm triển khai, nút giao thông quan trọng nhất của TPHCM vẫn liên tục trễ hẹn, khiến người dân hết sức khó khăn đi qua khu vực này. (Ngô Đình)

- Khám phá chuỗi sự kiện ẩm thực “Ticket to Asia” tại Sheraton Saigon Grand Opera Hotel (Phương Hằng)

- Năng động cùng mùa hè (Nhã Trúc)

- Nhìn lại dòng chảy 50 năm thơ phổ nhạc ở đô thị phương Nam: Lấy tiêu chí ưu tiên quy tụ thơ phổ nhạc của tác giả đang sinh sống tại TPHCM hoặc viết trực tiếp về TPHCM, “Thơ phổ nhạc - 50 năm thành phố Hồ Chí Minh” phác họa một bức tranh nghệ thuật độc đáo. Đồng thời, cuốn sách cũng hé lộ những điều chưa biết chung quanh những ca khúc phổ thơ nổi tiếng. (Tuy Hòa)

- Florence - thánh địa nghệ thuật nước Ý: Florence không chỉ là cái nôi, là nhân chứng sống cho thời kỳ thịnh vượng của đế chế Phục Hưng, mà còn là trái tim nghệ thuật của thế giới. Thành phố sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo và cảnh sắc thanh bình đã làm bao lữ khách mê đắm, luyến lưu. (Ngọc Quyên)

- Nhà Trắng “bay” Không lực Một: Ngày 21-5, chính quyền Trump đã chấp nhận một chiếc Boeing 747-8 làm quà tặng từ hoàng gia Qatar, để làm Chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) mới. Với giá trị ước tính là 400 triệu USD, đây sẽ là món quà có giá trị nhất mà một chính phủ nước ngoài dành cho nước Mỹ. (Vĩnh Cẩm)

- Jair Bolsonaro: Tổng thống bị xét xử tội đảo chính: Ngày 19-5, Brazil đã tổ chức phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, với cáo buộc ông đã âm mưu đảo chính và lãnh đạo một "tổ chức tội phạm" nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tháng 10-2022. Tại cuộc bầu cử này, ông bị Tổng thống đương nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva đánh bại với tỷ lệ cách sít sao. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác