Đón đọc ĐTTC số 234 phát hành thứ hai ngày 22-1-2024

(ĐTTCO) - Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 234 phát hành ngày 22-1-2024 với nhiều chuyên mục hấp dẫn. 

1-734.jpg

- Những thay đổi căn bản của hệ thống ngân hàng: Hệ thống NHTM Việt Nam luôn hoạt động trong một điều kiện thuận lợi, từ tính chất của một thị trường còn non trẻ trong lòng người dân đến sự áp đặt trần trong chi phí vốn huy động, nhưng vì sự méo mó trong việc cấp tín dụng đã gây ra những vấn đề riêng của mỗi NH, đưa đến hệ quả cho cả nền kinh tế gánh chịu. Đơn cử, những chủ trương giảm lãi suất từ NHNN đến Chính phủ không mấy được thực hiện, nền kinh tế luôn kêu thiếu vốn và lãi suất cao, thì giới quản lý NHTM vẫn thờ ơ… Vậy cơ đâu nên nỗi tình trạng đó?

- Doanh nghiệp Việt bỏ ngỏ thị trường ASEAN: Với dân số trên 680 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD (đứng thứ 5 thế giới), có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thế nhưng thị trường này chưa được doanh nghiệp (DN) Việt khai thác đúng mức. (Thanh Hà)

- Những thông điệp từ WEF 2024: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức hàng năm ở Davos Thụy Sĩ vừa kết thúc hôm 19-1. Hơn 300 người có ảnh hưởng lớn, trong đó hơn 60 nguyên thủ quốc gia, đã cùng trao đổi những vấn đề hệ trọng toàn cầu cả trong ngắn và dài hạn. Năm 2024, tâm điểm là thế giới nhiều bất ổn, rạn nứt, cùng những vấn đề mang tính bước ngoặt như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng và khí hậu. (TS. Võ Đình Trí, giảng viên IPAG Business School Paris - Pháp)

- Lãi suất huy động xuống đáy: Từ cuối năm 2023 đến nay, các diễn đàn tiền gửi liên tục xuất hiện các thông tin dò hỏi ngân hàng (NH) nào đang có lãi suất huy động tốt, hay khi nào lãi suất huy động tăng trở lại. Vì hiện tại, nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm 12, 13 tháng vào mùa đáo hạn. Tuy nhiên, năm nay người gửi tiền không còn “được mùa” khi lãi suất huy động liên tục hình thành đáy mới. (Đỗ Linh)

- Lãi suất giảm, doanh nghiệp chưa thể dễ dàng tiếp cận: Động thái các ngân hàng (NH) giảm lãi suất huy động có thể là cơ sở để lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm tiếp. Song thực tế cho thấy doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, cũng như khả năng hấp thụ dòng vốn này của nền kinh tế ở mức độ nào. Nhìn vào bức tranh kinh tế và bức tranh doanh nghiệp hiện nay, “sức khỏe” của các doanh nghiệp vẫn chưa ổn định, có nghĩa khả năng giảm lãi suất cho vay đối với từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể rất khó xảy ra. (Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc AFA Group)

- Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): tăng giám sát mới ngăn sở hữu chéo: Do có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, nên Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch hệ thống ngân hàng (NH) theo đúng nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế. Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỷ lệ sở hữu tại NH không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng NH bản chất rất phức tạp. (Quang Minh)

- Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều vấn đề lớn được chỉnh sửa: Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025). Theo nhiều chuyên gia, cùng với Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), được bàn bạc, chỉnh sửa và thông qua nhằm tránh độ “vênh” giữa các luật. Còn giới đầu tư kỳ vọng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi, vì theo thống kê có đến 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS bắt nguồn từ vấn đề pháp lý. (Bình Minh)

- Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo điểm nghẽn, thêm điểm mới: Luật Đất đai thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6- 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã xây dựng chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. (Lê Hoàng Châu. Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TPHCM - HoREA)

- Kéo đà phục hồi kinh tế từ doanh nghiệp nhà nước: Bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021-2025. Do vậy khi khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang gặp khó khăn và có phần “hụt hơi”, đây là lúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phát huy năng lực để san sẻ gánh nặng, tạo ra động lực lấy lại đà cho phục hồi và tăng trưởng. Có 2 việc cần làm ngay trong năm 2024, là hoàn tất sửa đổi khung thể chế đối với khu vực DNNN, và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DNTN một cách thực chất. (Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

- Thị trường tài chính tiêu dùng cũ nội, mới ngoại: Trong bối cảnh các công ty tài chính (CTTC) đang gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, và sự suy giảm tổng cầu làm kinh doanh thua lỗ, nhiều đơn vị muốn rút khỏi thị trường, thì các ngân hàng (NH) nước ngoài lại đang tìm cách tiến vào và gấp rút bành trướng thị phần. (Thiên Minh)

- Mã HHV không còn dư địa tăng?: Trên sàn chứng khoán, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) được đánh giá là cổ phiếu (CP) đầu ngành đầu tư công, được kỳ vọng dẫn sóng ngành, nhưng diễn biến thực tế lại khiến nhiều cổ đông thất vọng. Các đợt tăng vốn liên tục khiến cho HHV đối mặt rủi ro pha loãng CP. Theo đó, giá trị lợi nhuận trên mỗi CP sẽ sụt giảm nếu HHV chưa thể hiện thực hóa được ngay lợi nhuận trên vốn đầu tư bổ sung. (Kim Giang)

- Tín hiệu lạc quan từ dòng vố ngoại: Sau một năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu áp lực rút vốn lớn từ nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, song những tuần đầu tiên của năm 2024 bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, khi khối này đã bắt đầu mua ròng trở lại, dù quy mô còn nhỏ. Diễn biến này cũng nằm trong quy luật thông thường khi các tổ chức thường giải ngân trở lại trong quý I hàng năm, sau khi tái cân bằng danh mục vào cuối năm tài chính liền trước. (Nguyên Hà)

- Xuất khẩu “chới với” ngay đầu năm mới: Cuối năm 2023, hầu hết nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam đều hy vọng từng bước phục hồi trong năm 2024. Thế nhưng, những biến động địa chính trị toàn cầu đang gây ra những bất lợi cho nhiều doanh nghiệp (DN) và năm nay có thể tiếp tục là năm khó đoán định. (Thanh Lâm)

- 2024: Nhiều thách thức với doanh nghiệp: Trước nhiều biến động của tình hình thế giới, không ít doanh nghiệp (DN) và đại diện hiệp hội, ngành hàng đều chung đánh giá năm 2024 thách thức vẫn bủa vây. (Thanh Dung)

- 2024 xuất nhập khẩu có đổi vận?: Sau 7 năm liền (2016-2022) xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) của Việt Nam đều tăng, nhưng tới 2023 cả 2 cùng sút giảm. Năm 2024, quyết tâm tăng XK 6% so với 2023 đã có kịch bản với các lớp lang. Song… (Nguyễn Duy Nghĩa)

- Kỷ nguyên phương tiện huyền ảo (Nhã Trúc)

- Rồng vàng linh thiêng và vị Hoàng đế khai minh thời đại mới: Đầu Xuân Giáp Thìn, chúng tôi về thăm cố đô Hoa Lư bên sông Hoàng Long khi chuẩn bị kỷ niệm 1.100 ngày sinh và 1.045 ngày mất Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên mở đầu thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền của nước ta. Dù vùng đất thiêng đang thay đổi mạnh mẽ, nhưng những bí ẩn lịch sử về Đinh Tiên Hoàng và những nhân vật xung quanh ông mãi mãi là những câu chuyện quyến rũ các thế hệ sau không ngừng tìm cách giải mã. (Phan Hoàng)

- Khám phá cổ tự núi Lạn Kha: Tọa trên ngọn núi Lạn Kha đã gần ngàn năm, chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, phong cách Phật giáo thời nhà Lý. Đến nay, chùa Phật Tích vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, vừa là nơi có cảnh đẹp thanh bình thu hút hàng trăm du khách hành hương mỗi ngày. (Văn Công - Ảnh: Vương Lộc)

- Tình báo Israel: Thực tế và huyền thoại: Lực lượng tình báo Israel đã trở thành huyền thoại qua nhiều phim ảnh, tiểu thuyết. Trong đó, 3 cơ quan tình báo gồm Mossad, Shin Bet và Aman của Israel đã nổi lên như những chốt chặn bảo vệ an ninh cho đất nước kể từ khi lập quốc năm 1949. (Vĩnh Cẩm)

- Golriz Ghahraman: Từ ngôi sao chính trị thành kẻ cắp: Golriz Ghahraman từng là ngôi sao chính trị được nhiều kỳ vọng. Cô là cựu luật sư Liên hiệp quốc (LHQ) và là người tị nạn đầu tiên được bầu vào Quốc hội New Zealand. Tuy nhiên, tất cả sự nghiệp của cô đã tan thành mây khói, sau khi xuất hiện những video cho thấy cô lấy cắp đồ trong siêu thị. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác