Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Trao quyền nhưng phải minh bạch

(ĐTTCO)-Cần đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về các cơ chế, chính sách đặc thù dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ giúp hình thành khu vực tăng trưởng với phương thức quản lý mới.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ giúp hình thành khu vực tăng trưởng với phương thức quản lý mới.

Ngày 11/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Đây là dự án Luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở nước ta, do vậy, đa số ý kiến đề nghị cần có đánh giá tác động toàn diện, khoa học, khách quan về các cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Dự thảo Luật đã có quy định về các chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh.

Theo Tờ trình của Chính phủ và Bảng so sánh về các cơ chế, chính sách quy định trong dự thảo Luật với các quy định hiện hành áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao và một số nước trong khu vực thì hầu hết các lĩnh vực đều có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật đã thể hiện tính vượt trội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng: Những chính sách ưu đãi này không có gì mới, vẫn theo tư duy cũ là miễn, giảm, giãn. Cần phải giữ một nguyên tắc là lấy sự ổn định quốc phòng, an ninh toàn vẹn lãnh thổ là cái gốc, còn về kinh tế thì có thể có những cái thông thoáng, nổi trội, đặc biệt so với các vùng khác để thu hút đầu tư.

"Không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá nữa là phải có quyền lựa chọn, phát triển nhưng phải lựa chọn chứ không phải ào ạt", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theo các đại biểu, điều khó nhất trong dự thảo Luật là quy định tổ chức mô hình chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như thế nào cho phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương mà vẫn đảm bảo tính vượt trội.

Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình không tổ chức cấp chính quyền địa phương, nghĩa là không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và các cơ quan khác của Nhà nước tại đây chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của HĐND tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đồng tình với phương án của Chính phủ trình theo hướng trao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, song đề nghị cần minh bạch và có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ.

Nhiều ý kiến cho rằng: Các cơ chế chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần được đánh giá tác động một cách toàn diện, khoa học, khách quan về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm thu hút đầu tư, đồng thời cũng phải chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, trong khi vẫn phải bảo đảm ổn định đời sống của người dân.

Các tin khác